Thanh Sơn (Phú Thọ) – khai thác lợi thế để phát triển

(PLM) - Những ngày đầu xuân 2022, về Thanh Sơn (Phú Thọ) cảm nhận một sức sống mới ở nơi vốn được coi là vùng đất cổ này. Những đồi chè mênh mông đang bật lên những chồi xanh mơn mởn từ những thân cây khẳng khiu, những quả đồi vàng rực, lúc lỉu thoảng hương bưởi chín. Vùng đất còn nghèo này đang chuyển mình để có bước phát triển mới, ngày càng giàu hơn, đẹp hơn.

Khai thác lợi thế từ phát triển nông lâm nghiệp toàn diện

Trao đổi nhanh với anh Đỗ Mạnh Huyên, Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Sơn, anh cung cấp một vài con số cho thấy Thanh Sơn đã trải qua năm 2021 với những nỗ lực vượt bậc để đạt được những con số đáng mừng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 123,3% dự toán tỉnh và HĐND huyện đề ra; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất canh tác nông nghiệp ước đạt 102,7 triệu/ha; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 33,3 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,54%.

Để đật được những con số nêu trên ở một huyện miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn là một hành trình không hề dễ dàng. Thanh Sơn đã khai thác lợi thế, xác định phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh để thực hiện xóa đói giảm nghèo, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển. UBND huyện đã cụ thể hóa nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021 – 2025 bằng việc ban hành Đề án và xây dựng kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trong 5 năm tới.

Mô hình trồng lúa nếp đặc sản Thanh Sơn

Trên cơ sở từ kết quả đạt được trong nhiều năm trước, cùng với tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, Thanh Sơn đã xác định các sản phẩm chủ lực là: Lúa đặc sản, chất lượng cao; chè, bưởi, cây gỗ lớn, chuối phấn vàng và chăn nuôi (bò, dê, lợn, gà) là những cây trồng, vật nuôi chủ lực trong phát triển nông lâm nghiệp.

Huyện đã dồn sức chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp toàn diện, bền vững theo mô hình trang trại, gia trại; chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp. Thanh Sơn đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; tăng cường liên kết, gắn kết sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đi đôi với đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết thúc năm 2021, nhiều mục tiêu sản xuất nông – lâm nghiệp của huyện đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích trồng cây hằng năm đạt 11.659 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 47.000 tấn, đạt xấp xỉ 104% kế hoạch. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, năm 2021, Thanh Sơn đạt năng suất lúa 57,9 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Cây bưởi Diễn trên đất Thanh Sơn

Năm qua, huyện chú trọng khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực tập trung: các vùng sản xuất lúa, chè, bưởi, chăn nuôi lợn, gà… Đi đôi với đó là xây dựng và thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Thanh Sơn quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung đối với các loại cây trồng như chè, bưởi Diễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cây bưởi toàn huyện đã trồng 730 ha, diện tích cho quả 464 ha, sản lượng ước đạt trên 5.200 tấn. Diện tích cây chuối trồng đạt 819 ha, trong đó diện tích chuối phấn vàng được giữ ổn định 387 ha, tập trung chủ yếu tại xã Tân Minh, Tân Lập, Khả Cửu.

Huyện đã triển khai đúng kế hoạch các dự án được UBND tỉnh ủy quyền như: Dự án nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu chè xanh Thành Nam tại HTX chè Thành Nam; dự án liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ chè thương phẩm trên địa bàn huyện tại HTX Nông lâm Quyết Tiến; dự án liên kết tổ chức sản xuất cây dược liệu tại HTX nông nghiệp & Dịch vụ Tân Minh Sơn…

Sản phẩm thịt chua – đặc sản nổi tiếng của Thanh Sơn

Xác định cây chè là cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của địa phương, thời gian qua UBND huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích việc xây dựng các vùng chè theo tiêu chuẩn an toàn để nhằm xây dựng thương hiệu cho chè Thanh Sơn. Năm 2021, diện tích cây chè ước đạt 2.523 ha, sản lượng ước đạt 27 ngàn tấn. Thanh Sơn đang xây dựng mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh Suối Reo theo hướng sản xuất hữu cơ bền vững.

Với trên 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 73% diện tích tự nhiên, Thanh Sơn coi trọng khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp, có những trang trại quy mô lớn đã cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đống. Các xã Cự Thắng, Sơn Hùng, Giáp Lai, Lương Nha, Địch Quả, Hương Cần, Võ Miếu, Thục Luyện là những địa phương có nhiều mô hình phát triển kinh tế đồi rừng tiêu biểu…Hoạt động này đã giúp nhiều gia đình đổi đời, mang lại một diện mạo mới cho địa phương.

Tạo chỗ đứng cho sản phẩm OCOP của địa phương

Huyện Thanh Sơn được xem là quê hương của sản phẩm thịt chua và chè Thanh Sơn nổi tiếng. Tính đến thời điểm hiện tại, trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Thanh Sơn đã có 15 sản phẩm được công nhận. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Tạo chỗ đứng cho sản phẩm OCOP của địa phương luôn là trăn trở của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Sản phẩm chè ở xã Văn Miếu - Thanh Sơn

Trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện có gần 40 cơ sở sản xuất thịt chua với mô hình doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Huyện xác định thịt chua là sản phẩm chủ lực truyền thống, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Từ một món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn, đến nay thịt chua Thanh Sơn đã trở thành đặc sản mang hương vị riêng của đất Tổ, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến.

Thưởng thức món thịt chua Thanh Sơn thật sự hấp dẫn bởi vị ngon ngọt từ thịt nạc, độ giòn của bì, độ béo của thịt mỡ, vị chan chát bùi, thơm của lá ổi, độ đậm đà của muối, mùi thơm của thính gạo, ngô rang. Công thức chế biến đòi hỏi công phu, kén cả người làm từ khâu chọn thực phẩm đến pha chế, kỹ thuật lên men, bảo quản. Thịt chua không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là tinh hoa văn hóa ẩm thực của cha ông trao truyền lại. Ngày nay, món thịt chua Thanh Sơn đã được cải tiến, đổi mới, sáng tạo cả về chất lượng và hình thức bao bì, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Theo anh Đỗ Mạnh Huyên, Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Sơn, để thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm, cùng với chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Đi đôi với đó là củng cố, kiện toàn, phát triển mới các tổ chức kinh tế tham gia. Huyện đã từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao, coi trọng chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản. Chương trình OCOP được ví như làn gió mới làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp của Thanh Sơn vươn xa tới các thị trường trong nước và xa hơn là ra thị trường quốc tế.

Một Thanh Sơn trong hàng trình đi đến đẹp giàu đang hiển hiện ngay trong mùa xuân này, trên các đồi chè xanh mát, trong các vườn hoa trái và trên gương mặt người Thanh Sơn hồ hởi, mến khách.

Phương Loan