Nhân bản dịch "Sử ký Tư Mã Thiên" năm 1944 tái xuất, nghĩ về những điểm đáng lưu ý khi in lại sách xưa

PLM - Sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng, bản dịch “Sử ký Tư Mã Thiên” của Nhượng Tống đã được tái bản. Thay vì chỉ in lại theo ấn phẩm cũ, cuốn sách đã được hiệu khảo để độc giả dễ tiếp cận với bản dịch cách đây gần tám mươi năm, khơi gợi nhiều điểm đáng lưu ý đối với việc in lại các sách vở thời trước. Đây là một vấn đề cần lưu tâm khi xu hướng in lại sách xưa ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Cần chú thích các từ ngữ đã cũ hoặc khó hiểu

Một điều ít thấy với các sách tái bản từ những ấn phẩm cũ là ít có sự chú thích đối với những từ ngữ đã cũ. Ở ấn bản Sử ký Tư Mã Thiên vừa ra mắt, người hiệu khảo Nguyễn Duy Long đã thêm nhiều phụ chú giải thích những trường hợp như thế để giúp độc giả ngày nay không bị bỡ ngỡ. Ví dụ có câu thế này:

“Vậy ta không thể nhất khái chỉ cho Thượng Thư là đúng…”

Theo ông Nguyễn Duy Long: “từ nhất khái giờ ít thấy, nên chú thích bằng Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức là “nhất thiết, một mực, khư khư”.

Hoặc: “Cho chuyện trấn phủ lúc nhà Hán mới lên cũng không phải là thất sách: hồi hộ khéo!” thì hồi hộ được chú thích bằng Hán – Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn là “quanh co, che đậy””.

Đối với các từ điển dùng để chú thích, người hiệu khảo ưu tiên dùng các sách cùng thời hoặc sớm muộn hơn khoảng hai ba chục năm, như vậy thì có thể hiểu đúng được nghĩa ở thời điểm đó chứ không phải nghĩa bây giờ.

Ví dụ: “Lời của thày mông mênh phóng túng…” thì từ mông mênh hiểu theo thời đó là “mờ mịt” (Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức) chứ không phải chỉ sự rộng lớn như nghĩa ngày nay.

Ngoài những từ ngữ cũ, còn có nhiều từ ngữ khó hiểu. Những trường hợp này thường là do dịch thẳng từ Hán văn mà ra. “Khi thêm phụ chú, tôi sẽ tham khảo bản dịch của Nhữ Thành, bản dịch bạch thoại hoặc tra từ điển tiếng Trung”. – Ông Nguyễn Duy Long chia sẻ.

Ví dụ trong bản dịch của Nhượng Tống có câu: “Con người ta chẳng biết sớm giữ mình ngoài dây mực…”. Ở góc độ cá nhân người hiệu khảo, ông Nguyễn Duy Long thấy, rất có thể độc giả sẽ hiểu lầm dây mực là bị lấm lem bởi bị mực dây ra quần áo, nên đã thêm phụ chú là “chỉ việc lấy dây thừng có nhúng mực để đánh dấu các đường xẻ lên gỗ, sau chuyển nghĩa thành quy củ, phép tắc, khuôn thước.”

Mà đây vẫn chưa đáng kể. Trường hợp người hiệu khảo ám ảnh nhất là câu “Dù mấy trăm đời, càng dơ diếu mà thôi!”.

Theo người hiệu khảo: “Dơ diếudiếu, thì dễ hiểu, nhưng diếu là gì? Lúc này tôi lại phải tách nghĩa của diếu trong bêu diếu/ bêu riếu ra thì mới thấy có khả năng nghĩa là “xấu hổ”. Sau này khi sách in xong rồi, tôi có tra lại sách Giúp đọc Nôm và Hán Việt thì thấy ghi nhận riếu là “điều xấu phải thẹn”! Lúc đó chỉ biết trách bản thân không biết tận dụng các sách kê cứu đời trước thôi!”

Cuốn Sử ký Tư Mã Thiên do Nhượng Tống dịch, xuất bản lần đầu năm 1944. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Sửa lại các chỗ dịch sai hoặc dịch thô

Ông Nguyễn Duy Long cũng thẳng thắn chia sẻ một số “vướng mắc” liên quan đến bản dịch Sử ký năm 1944 của Nhượng Tống:

“Nói về dịch sai thì phải kể đến việc Lâm Tây Trọng bình rằng Tô Tần đã cầm quyền ở Triệu thì phải nghĩ cách giúp Trương Nghi cầm quyền ở Tần, như vậy mới thực hiện được kế hợp tung. Nhượng Tống lại dịch thành “Trương [Nghi] cầm quyền ở Triệu, thì đành là phải làm cái khó…”!

Bên cạnh đó, việc dịch thô cũng là một điều khó tránh khỏi của các dịch giả.

“Nhượng Tống có dịch một câu như thế này: Nhà Chu đông dời đô Lạc Ấp. Độc giả sẽ thấy ngay câu này có vấn đề, vì đông dời đô là gì? Nguyên do là Nhượng Tống đã bê nguyên ngữ pháp Hán văn (Chu đông tỉ Lạc Ấp 周東徙洛邑) vào câu tiếng Việt. Chỉ cần sửa lại một chút là câu văn sẽ vừa đúng ý mà lại không gặp vấn đề về diễn đạt: Nhà Chu dời đô sang Lạc Ấp ở đằng đông.” – Nguyễn Duy Long bình luận.

Cuốn Sử ký Tư Mã Thiên do Nhượng Tống dịch, Nguyễn Duy Long hiệu khảo vừa tái bản với diện mạo mới

Cố gắng giữ văn phong của dịch giả ở mức tối đa

Theo ông Nguyễn Duy Long: “Nhượng Tống đã rất khéo léo khi chọn một thứ văn phong bình dị, mộc mạc, đậm chất khẩu ngữ để dịch Sử ký Tư Mã Thiên. Tôi đánh giá đây là lối dịch vô tiền khoáng hậu, các dịch giả đời sau khó bì được”.

Trong quá trình hiệu khảo, việc sửa các câu dịch sai hoặc dịch thô sẽ khiến cho câu bị mất đi văn phong vốn có. Vậy nên, người hiệu khảo phải cố sửa làm sao để có thể giữ được văn phong của người dịch một cách tối đa.

Với những trường hợp mắc lỗi thừa từ như vua Vũ Đế, sông Hằng thủy, núi Thường Sơn… thì việc cắt đi yếu tố dư thừa không ảnh hưởng quá nhiều đến câu văn. Tuy nhiên với một số chỗ dịch sai hoặc dịch thô phải đổi trật tự từ, hoặc viết lại đến nửa câu, thì khó có thể đảm bảo được văn phong gốc.

“Ví dụ có câu Nhượng Tống dịch là: Vì thế Hạng Vương không còn lòng Tây lo đến Hán, mà cất quân Bắc đánh Tề. Khi sửa lại, câu mới sẽ không giữ được toàn vẹn văn phong gốc của dịch giả nữa: Vì thế Hạng Vương không còn lòng lo đến Hán ở mé tây, mà cất quân sang bắc đánh Tề. Nhưng cũng rất may, số câu như trên khá ít. Vì như tôi có viết trong bài Lược khảo ở cuối sách, dịch giả rất dễ mắc phải tật đó, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Nên về cơ bản, văn phong khẩu ngữ của Nhượng Tống không bị ảnh hưởng nhiều sau khi hiệu khảo” – ông Nguyễn Duy Long chia sẻ.

Trần Đức Anh