“Dị nhân” hàng chục năm chỉ sống bằng mỳ tôm
(PLO) - Mỳ tôm không phải là một món khoái khẩu của cụ, chỉ vì ngoài thứ thực phẩm ấy ra , bụng cụ không “chịu” được thứ nào khác. Cụ cũng muốn ăn cơm, ăn cháo bình thường như mọi người. Bởi theo nhẩm tính, có khi số tiền mua mỳ tôm ăn, nếu tiết kiệm cụ có thể nuôi được năm, sáu người cháu của mình ăn học nên người.
Mỳ tôm là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhưng để ăn thay cơm như cụ Bùi Ngọc Ấu (SN 1934) ở xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang suốt từ năm 1980 đến nay thì quả là chuyện lạ. Ở làng này, nhiều người gọi cụ là Ấu “mỳ tôm” vì “thành tích” ăn mỳ tôm trong suốt mấy chục năm.
Lúc chúng tôi đến, chỉ có một mình cụ Nguyễn Thị Phú, vợ của cụ Ấu ở nhà. Cụ Phú bảo: “Ông lão nhà tôi vừa đi ra ngoài cánh đồng để lấy rau về cho gà. Các chú đợi một lúc, ông ấy về”.
Đúng lúc ấy thì có người nhà bệnh nhân cùng cảnh giới thiệu cho cụ một bài thuốc dân gian của ông thầy trên phố Hàng Than (Hà Nội) rất hiệu nghiệm. Những vị thuốc bắc kết hợp với bột nghệ vàng được tán thành bột nhồi trong ống tre lại làm giảm những cơn đau quằn quại trong bụng cụ.
“Thế là từ đấy tôi bỏ luôn thuốc tây, chuyển sang dùng bài thuốc đông y của ông thầy lang này. Phải đến 10 năm như vậy tôi mới khỏi bệnh dạ dày”, cụ Ấu nhớ lại.
Biết bụng cụ Ấu đã “chịu” được mỳ tôm, cả gia đình ai cũng vui mừng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nỗi lo khác. Theo cụ Ấu cho biết, lúc ấy nước mình mới kháng chiến chống pháp thành công, mỳ tôm chỉ phổ biến ở miền Nam, còn miền Bắc thì rất hiếm. Để mua được một gói mỳ tôm là điều không đơn giản.
“Mỳ tôm bấy giờ chỉ có một loại, đó là mỳ sợi (chỉ có một sợi dài cuộn lại – PV), thường dùng phục vụ trong quân đội. Ở các cửa hàng phân phối thực phẩm không bán, phải mua lại từ những người trong Nam mang ra với giá rất cao. Mãi sau này cửa hàng phân phối thực phẩm mới bán, nhưng là mỳ vụn chứ không phải mỳ tôm gói như bây giờ” – vợ cụ Ấu kể.
Mỗi sáng cụ bà dậy sớm đun cho chồng một phích nước để cụ ông pha mỳ. Tâm sự với người viết, cụ bảo, tính ra thì mỳ tôm đắt hơn cả gạo. Nhưng giờ ngoài mỳ không ăn được những thứ khác nên đành bấm bụng mà mua.
Theo cụ thì cho biết, tất cả các loại mỳ tôm cụ đều đã ăn qua. “Mỗi ngày tôi ăn hết ba gói mỳ, tính ra 1 hộp mỳ ăn được có 10 ngày, một tháng ăn hết gần ba trăm nghìn đồng tiền mỳ. Trước đây, tôi hay mua từng thùng một, hết thùng này đến thùng khác, nhưng giờ mỳ đắt quá, tôi chỉ mua mỳ vụn cho tiết kiệm vì mỳ vụn chỉ có 15 nghìn đồng/kg”, cụ Ấu thật thà kể.
Điều khiến “vua mỳ” khổ tâm nhất chính là những đứa cháu sớm mồ côi cha, phải chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. “Cả bốn đứa mất khi các con của chúng nó đều còn rất nhỏ. Thằng Hồng mất, mẹ nó đưa hai cháu vào Nam làm công nhân, đến Tết mới về.
Còn cháu Bùi Thị Yến, con gái cả thằng Trường, thi đỗ Đại học Luật Hà Nội, đi học được một tháng thì phải bỏ vì không có tiền đóng học phí”, cụ ông trải lòng mình. Tính đến nay, cũng không biết là cụ đã ăn bao nhiêu mỳ tôm. Giọng cụ trầm buồn, bảo: “Số tiền mua mỳ tôi từng ăn, nếu để tiết kiệm có khi tôi đã nuôi được năm đến sáu đứa cháu ăn học đàng hoàng”.