Vụ án Trần Đình Quân có dấu hiệu hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp hay không?
(PLM) - Vụ án Trần Đình Quân bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng khởi tố vụ án hình sự từ 23/01/2024. Trong vụ án này có 9 người bị khởi tố với các tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”; “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội “Giữ người trái pháp luật”. Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã hoàn thiện Cáo trạng đề nghị truy tố các bị can.
Tuy nhiên, các luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm không đồng tình với những nội dung mà Kết luận điều tra và Cáo trạng nêu, vì vậy Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng vẫn tiếp tục gửi Đơn khiếu nại và đề nghị khẩn đến cơ quan tố tụng và các cấp có thẩm quyền đề đề nghị xem xét về các dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ người trái pháp luật” và “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” nhằm đảm bảo vụ án không có oan sai.
Các luật sư chỉ ra những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án?
Trao đổi với các luật sư Lê Ngọc Luân, luật sư Võ Thị Anh Loan thuộc Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng – là những luật sư bảo vệ, bào chữa cho bị cáo Trần Đình Quân, các luật sư cho rằng khi tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án, các luật sư thấy có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc Trần Đình Quân bị bắt giữ có dấu hiệu vô cớ và trái pháp luật?
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam thì vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi có căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm, được quy định tại Điều 143 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. Bao gồm: 1) Tố giác của cá nhân; 2) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 3) Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; 4) Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; 5) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; 6) Người phạm tội tự thú.
Tuy nhiên, luật sư Luân đã chia sẻ rằng: “Khi đọc và rà soát toàn bộ hồ sơ vụ án chỉ thấy có một (01) Đơn trình bày do một người là Nguyễn Như Quân viết. Tôi đang hình dung đây chính là người bị hại và lá đơn được ghi ngày 18/12/2023. Tôi nghĩ nếu đây là nguồn cơn của việc thân chủ mình bị bắt và khởi tố hình sự vụ án thì chắc chắn là sẽ phải có hồ sơ giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm. Vậy mà rà soát cả tập hồ sơ hơn 1.000 bút lục cũng không thấy đâu.”
Trao đổi với chị Hồ Thị Hằng (vợ Trần Đình Quân) về việc trong những năm gần đây, khi chị và Đình Quân sinh sống tại Đà Nẵng, đã bao giờ chị hay chồng chị nhận được Giấy triệu tập của cơ quan công an hay cơ quan nào khác để phải lên những cơ quan này làm việc phục vụ cho công tác điều tra, làm rõ vấn đề gì chưa? Chị Hằng cho biết: “Chưa bao giờ chị hay chồng chị bị mời lên cơ quan công an hay chính quyền địa phương làm việc cả. Kể cả những ngày trước khi chồng chị bị bắt, cũng không ai triệu tập anh ấy đến cơ quan công quyền để làm việc gì. Đến hôm anh ấy bị bắt, ai cũng ngạc nhiên và có người còn hỏi rằng liệu có bị bắt nhầm không”.
Như vậy, theo các luật sư, nếu coi Đơn trình bày ghi ngày 18/12/2023 của Nguyễn Như Quân là một căn cứ tố giác tội phạm thì Cơ quan Công an thành phố Đà Nẵng sẽ phải thực hiện đầy đủ quy trình tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm được quy định tại khoản 1,2,3 và 4 Điều 146 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền (Khoản 5 Điều 146 Bộ Luật TTHS 2015). Tuy nhiên trong thực tế hồ sơ vụ án, luật sư Luân cho biết: “Đơn trình báo của Như Quân viết ngày 18/12/2023 là cố tình ghi lùi ngày do bị ép buộc phải viết đơn. Nhưng đến tận ngày 19/01/2024 mới có một biên bản tiếp nhận Đơn của Như Quân, trong khi Trần Đình Quân đã bị lực lượng chức năng đến nhà và bắt đi từ chiều 18/01/2024”.
![]() |
Theo nội dung tại Bản Kết luận điều tra số 08 thì đây là nhà của Nguyễn Như Quân – Nơi nhóm Đình Quân thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, Như Quân sinh sống tại ngôi nhà này. |
Các luật sư cho biết thêm: Nói về Đơn trình bày của Nguyễn Như Quân (người được coi là bị hại trong vụ án Trần Đình Quân bị khởi tố) thì người này đã có Đơn xin cứu xét khẩn cấp gửi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng để trình bày rằng: “Đến ngày 5/3/2024, có một anh công an nhắn tin gửi cho tôi số điện thoại của anh Vinh (ý chỉ Điều tra viên Võ Xuân Vinh), nói tôi gọi điện thoại và hẹn gặp anh Vinh. Khi gặp anh Vinh tiếp tục hỏi chuyện tiền bạc chuẩn bị như thế nào rồi và tiếp tục bắt tôi ký đơn tố cáo tội phạm nhưng tôi từ chối. Đến tháng 4 (tôi không nhớ rõ ngày), anh Vinh gọi điện tôi tới làm việc tiếp. Lúc này anh Vinh tiếp tục gây sức ép cho tôi, buộc tôi phải ký vào tờ đơn tố cáo tội phạm. Vì bị anh Vinh ép liên tục và hù dọa khởi tố, tôi phải ký theo lời anh Vinh yêu cầu, 01 tờ đánh máy sẵn và 01 tờ viết tay. Cả 02 tờ tôi đều ghi lùi ngày là ngày 18/12/2023”.
Theo các luật sư, nếu một người bị một người khác đe dọa, sợ đến mức cảm thấy bản thân cần được pháp luật bảo vệ, thì họ sẽ có Đơn trình báo đến cấp có thẩm quyền để bản thân họ được bảo vệ. Tuy nhiên, trong vụ án Trần Đình Quân, tại sao một người được coi là bị hại lại không thể tin tưởng vào cơ quan công an trong khu vực họ sinh sống khiến họ phải có Đơn xin cứu xét vượt cấp như vậy? Trong Đơn, họ cũng thể hiện rõ nội tình là họ có vay tiền, họ có thất hẹn trả và hai bên xảy ra mâu thuẫn nhưng rồi cùng ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết vấn đề của cả hai. Họ không có ý định viết đơn tố cáo ai, vậy tại sao họ lại bị hù dọa và ép phải ký vào Đơn trình bày (Đơn tố cáo)?
Theo luật sư Luân thì trong hồ sơ vụ án không hề có tài liệu nào chứng minh cho việc Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đối với vụ án Trần Đình Quân và đây cũng chính là một trong những nội dung mà đã nhiều lần luật sư kiến nghị đến các cơ quan tố tụng. Bởi nếu Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận Đơn trình báo của Nguyễn Như Quân thì phải giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 147 Bộ Luật TTHS 2015, bao gồm các hoạt động: a) Thu thập thông tin, tài liệu... kiểm tra, xác minh nguồn tin; b) Khám nghiệm hiện trường; c) Khám nghiệm tử thi; d) Trưng cầu giám định. Trong khi thực tế, hồ sơ vụ án không hề có những tài liệu này. Trong hồ sơ vụ án thể hiện các camera thu thập được khi bắt và khám xét nhà Đình Quân đều bị kết luận là không tìm thấy dữ liệu. Vì vậy các luật sư yêu cầu dựng lại hiện trường vụ án, cho bị cáo và bị hại đối chất để làm rõ bản chất sự việc có hay không việc tố giác tội phạm để dẫn đến việc Đình Quân bị cáo buộc nhiều tội danh đến vậy? Thế nhưng các kiến nghị của luật sư cho đến nay vẫn chưa được cơ quan tố tụng chấp thuận.
Nói về chiều ngày 18/01/2024, ngày mà Trần Đình Quân bị bắt, ông Trần Văn Hường - Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 nơi Đình Quân và gia đình cư ngụ, cho biết: “Tối ngày 18/01/2024, ông được cảnh sát khu vực điện thoại thông báo là ra nhà Đình Quân, ông cũng không biết sự việc gì nhưng ông có đi ngay. Ra đến nơi thì ông thấy có rất đông người ở đó và ông có thấy Đình Quân bị bắt. Khi được hỏi về những người có mặt hôm đó, ông bảo ông thấy toàn người mặc quần áo bình thường (ý chỉ quần âu và áo sơ mi hoặc áo phông), chỉ có một vài người mặc quần áo công an”. Khi đưa cho ông xem mẫu hình trang phục của Kiểm sát viên thì ông khẳng định không có người nào mặc trang phục của Kiểm sát viên cả. Ông cũng cho biết thêm rằng việc bắt và xét nhà Đình Quân diễn ra đến khuya mới xong.
Từ những phân tích và thực tế hồ sơ vụ án được luật sư trao đổi nêu trên, phóng viên đặt ra hàng loạt câu hỏi và đề nghị được làm rõ như: Có hay không việc bị hại Nguyễn Như Quân bị dọa nạt, gây sức ép, bị yêu cầu viết Đơn trình bày (Đơn tố cáo) sau khi Đình Quân bị bắt khiến người này phải kêu cứu vượt cấp? Khi Đơn trình bày của Nguyễn Như Quân được thiết lập vào ngày 18/12/2023 (Đơn được lưu trong hồ sơ), nếu không có kết quả, thông báo giải quyết nguồn tố giác tội phạm (tức là không có nguồn để xác định dấu hiệu, hành vi phạm tội) thì Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng sẽ căn cứ vào quy định pháp luật nào để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can?. Đình Quân bị bắt vào chiều ngày 18/01/2024, lệnh bắt chỉ nhỏ tương đương nửa tờ giấy A4 (theo lời chị Hằng, vợ Đình Quân chứng kiến kể lại) trong khi Lệnh bắt giữ Đình Quân lại được thiết lập vào ngày 19/01/2024, như vậy có đúng với trình tự, thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 113 Bộ Luật TTHS 2015 hay không?
Thứ hai, trong hồ sơ vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn cần được làm rõ
Theo luật sư Võ Thị Anh Loan trao đổi với phóng viên thì mâu thuẫn đầu tiên thể hiện rõ nhất đó là mẫu thuẫn giữa thời gian được ghi trong Đơn trình bày của Nguyễn Như Quân so với Kết luận Điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng. Luật sư Loan chỉ ra rằng: Đơn trình bày của Nguyễn Như Quân được Như Quân ghi ngày 18/12/2023, trong khi tại Kết luận điều tra thì lại thể hiện là: “Trong khoảng thời gian từ ngày 13/12/2023 đến ngày 27/12/2023, nhóm Đình Quân đã liên tục giữ, giám sát đối với Phượng và Như Quân, không cho họ rời khỏi tầm kiểm soát”. Như vậy, nếu Như Quân đã bị kiểm soát chặt chẽ đến như vậy thì Như Quân đã viết Đơn trình bày vào lúc nào, gửi đi bằng cách nào? Còn nếu trong trường hợp ngày 18/12/2023, Như Quân vẫn có thể đi lại tự do, viết và gửi Đơn thì sao lại có thể kết luận là liên tục giữ và giám sát được?
Cũng theo luật sư, mâu thuẫn thứ hai trong hồ sơ vụ án đó là bản chất những lời khai thật của Đình Quân và Như Quân. Luật sư Loan cho biết: “Đối với các lời khai và bản tường trình của Đình Quân, không có bất kỳ lời khai nào thừa nhận mình đánh (tát tai) Như Quân, Ái Phượng là để đòi tiền, mà đó là hành động bột phát do không kiềm chế được cảm xúc khi biết Như Quân thất hẹn với mình. Vậy nhưng, trong một số biên bản ghi lời khai ngày 22/01/2024; biên bản hỏi cung bị can ngày 25/01/2024 và một số biên bản khác đều được Điều tra viên Võ Xuân Vinh ghi nhận lại không đúng với ý chí của người khai, cũng như thực tế sự việc”. Vì vụ án chưa đưa ra xét xử nên luật sư Loan nói: “Tất cả những mâu thuẫn trong các biên bản lời khai, các luật sư đã tập hợp để tiếp tục kiến nghị cơ quan tố tụng và các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét, làm rõ nhằm đảm bảo sự thật khách quan”.
Luật sư Loan chia sẻ với phóng viên: “Sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng ban hành Bản Kết luận điều tra số 08/BKL-VPCQCSĐT ngày 10/01/2025 thì ngày 06/3/2025 Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Quyết định số 17/CQ-VKS-P2 trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Một trong những nội dung cần làm rõ lại đó là: “Đối với các Biên bản ghi lời khai, Biên bản hỏi cung, Bản trình bày do Điều tra viên Võ Xuân Vinh trước đây lấy lời khai cần phải được hỏi lại từng nội dung, ghi nhận lại từng lời khai để đảm bảo tính khách quan”. Tuy nhiên, trong Kết luận điều tra bổ sung mà mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng gửi lại Viện Kiểm sát thì cơ quan này lại cho rằng những bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, bản trình bày trong hồ sơ vụ án đã khách quan. Vậy nếu khách quan thì sao ông Võ Xuân Vinh lại bị chính người được cho là bị hại trong vụ án gửi Đơn kêu cứu vượt cấp để tố rằng chính ông Vinh đã gây sức ép, hù dọa họ và bắt họ phải ký Đơn trình bày? (Luật sư Loan đặt câu hỏi). Chưa kể đến việc các dữ liệu điện tử (các camera thu giữ được khi khám xét nơi ở của Đình Quân). Chị Hằng cho biết: “Khi họ đến bắt anh Quân, họ dán hết camera lại, tháo dỡ các thiết bị thu phát này. Tại thời điểm này, các thiết bị thu phát camera nhà tôi vẫn hoạt động tốt vì nhà tôi bán hàng nên vẫn theo dõi nó hàng ngày”. Trong khi đó, luật sư Loan lại đặt câu hỏi: Vậy tại sao camera đang hoạt động tốt, đem về cơ quan công an thì lại được cho là “không tìm thấy dữ liệu ngày 13/12/2023 và ngày 18/01/2024”?
Luật sư Loan cho biết thêm: Trong hồ sơ vụ án không có các dữ liệu điện tử ghi âm trong quá trình lấy lời khai của Đình Quân và các bị can khác, chỉ có buổi luật sư được làm việc với Đình Quân (vào ngày 07/02/2025) thì có sự giám sát của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng là có ghi âm, ghi hình. Cho nên các luật sư đã làm văn bản đề nghị được cung cấp các bản ghi âm, ghi hình trong các buổi lấy lời khai bị can nhưng lại bị Viện Kiểm sát từ chối với lý do “Không quy định cho phép sao chụp dữ liệu điện tử”.
Luật sư cho biết: Điểm l, Khoản 1 Điều 73 Bộ Luật TTHS 2015 quy định: “Người bào chữa có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bài chữa từ khi kết thúc điều tra”. Vậy, với phần nội dung trả lời của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng thì các dữ liệu điện tử (là các bản ghi âm, ghi hình các buổi lấy lời khai của bị cáo) có được coi là tài liệu trong hồ sơ vụ án không? Trong khi việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là điều bắt buộc điều tra viên phải làm trong quá trình hỏi cung bị can (quy định tại Khoản 6 Điều 183 Bộ Luật TTHS 2015)? Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng lại không cho luật sư tiếp cận các dữ liệu điện tử? Nếu vụ án được điều tra, làm rõ một cách công khai, minh bạch và nếu người bị truy tố là đúng người, đúng tội thì tại sao không để luật sư tiếp cận thông tin đúng với quyền của mình? (Luật sư đặt câu hỏi).
Báo Pháp luật Việt Nam kính đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Điều tra và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trật tự xã hội Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Ban Nội Chính Thành ủy Đà Nẵng, Hội Đồng Nhân Dân TP. Đà Nẵng, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng xem xét, chỉ đạo giải quyết và làm rõ những vấn đề nói trên để tránh những sai sót trong quá trình tố tụng đối với vụ án này. Còn nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. PLVN sẽ tiếp tục thông tin khi có tình tiết mới.