Tranh chấp đất 17 năm: Sự lý giải khó hiểu của UBND xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì
(PLM) - Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải bài viết “Có hay không việc làm sai lệch hồ sơ trong sổ địa chính” ngày 10/1/2021 phán ánh vụ kiện suốt 17 năm trời của gia đình bà Đặng Thị Ngọc, tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mới đây , TAND huyện Thanh Trì đã tổ chức buổi đối thoại cho các bên liên quan tới vụ án, tuy nhiên, trong buổi làm việc này, UBND xã Liên Ninh vẫn chưa có lời lý giải thoả đáng về việc có thông sai lệch trong hồ sơ địa chính.
![]() |
Bà Đặng Thị Ngọc đứng đứng trên thửa đất đang bị tranh chấp |
Cụ thể, theo lời bà Ngọc và hồ sơ bà cung cấp tại tòa án: Bà Đặng Thị Ngọc là chủ sử dụng đất thuộc thửa đất số 44, tờ bản đồ số 10 (bản đồ đo năm 1994) là đất ở thổ cư tại địa chỉ thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thửa đất có nguồn gốc là cụ Hoàng Văn Hạ để lại cho cụ Hoàng Văn Nhượng. Sau đó cụ Hoàng Văn Nhượng để lại cho con trưởng là cụ Hoàng Văn Tường và vợ là cụ Hoàng Thu Liễu (tức Hoàng Thị Liễu) sử dụng. Từ năm 1942, Cụ liễu và cụ Tường đã được chính quyền cấp Tờ chứng thực đăng bộ. Từ đó tới nay, thửa đất được cụ Liễu, cụ Tường và các thế hệ con cháu của hai cụ nối tiếp nhau quản lý, sử dụng.
Thửa đất đã kê khai sở hữu, sử dụng theo quy định của pháp luật qua các thời kỳ, trong bản đồ xã Liên Ninh (Từ bản đồ năm 1986 đến bản đồ năm 1994) vẫn thể hiện là tên chủ sử dụng là cụ Tường - cụ Liễu.
Thửa đất này chưa hề có việc chuyển nhượng, tách thửa cho ai. Sau khi cụ Tường qua đời năm 1994, đến năm 2006 cụ Liễu lập di chúc và cùng con cháu họp phân chia đất. Trong gia đình bà Ngọc, có chồng bà Ngọc là ông Hoàng Thanh Mạc – Cháu nội của cụ Liễu được chia tiếp tục sử dụng quản lý ½ diện tích đất tại thửa số 44, tờ bản đồ số 10 là 420 m2. Kể từ thời điểm sử dụng đến nay gia đình bà Ngọc sinh sống, quản lý và sử dụng ổn định trên đất, hằng năm đóng thuế nhà nước đầy đủ. Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã mời các bên lên để giải quyết nhiều lần nhưng chưa vẫn đi đến hồi kết.
Ngày 30/6/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì, đã có buổi hòa giải, đối chất liên quan đến vụ án. Thẩm phán chủ trì là bà Nguyễn Thị Kim Liên. Tại buổi hòa giải có mặt nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc, bị đơn ông Hoàng Văn Cánh (đại diện theo ủy uyền ông Hà Ngọc Đông), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: UBND xã Liên Ninh. UBND huyện Thanh Trì (Vắng mặt). Tại buổi đối chất Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đặng Thị Ngọc đặt ra các câu hỏi cho UBND xã với nội dung:
Trong Sổ mục kê ruộng đất lập theo bản đồ năm 1986, tờ bản đồ số 02 mà UBND xã cung cấp cho Tòa án thì có ghi số thửa 224, Chủ sử dụng: Hoàng Văn Tường, Xứ đồng: Nội Am, diện tích 1240 m2, loại ruộng đất: Thổ cư Ao; ghi chú: Tuấn + Cánh.
Thế nhưng, hồ sơ mà Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Trì cung cấp cho gia đình bà Ngọc vào ngày 30/11/2020 vẫn là Sổ mục kê ruộng đất lập theo bản đồ năm 1986, tờ bản đồ số 02 thì phần nội dung là số thửa 224, Chủ sử dụng: Hoàng Văn Tường, Xứ đồng: Nội Am, diện tích 1240 m2, loại ruộng đất: Thổ cư Ao;
Tức sổ gốc mà Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Trì thì không có phần ghi chú: Tuấn + Cánh. Vậy câu hỏi đặt ra là lý do gì? Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Lý do gì UBND xã lại cung cấp sổ mục kê cho Tòa án lại có thêm phần ghi chú là Tuấn + Cánh???
Trên cơ sở câu hỏi mà Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đặng Thị Ngọc, đại diện UBND xã Liên Ninh cho rằng: “bản thân họ là cán bộ mới nên khi tiếp nhận hồ sơ họ chỉ biết là như vậy? Còn lý do tại sao lại ghi thêm phần Tuấn + Cánh thì họ không biết, và không có căn cứ giấy tờ nào để ghi thêm việc đó”.
Theo bản đồ đo đạc năm 1986 và sổ địa chính lập theo bản đồ đo năm 1986 (theo chỉ thị 299/TTg) có ghi thửa đất 224, tờ bản đồ số 02, diện tích 1240 m2 , chủ sử dụng đất là Hoàng Văn Tường. Trong khi đó theo sổ mục kê tạm lập bản đồ năm 1994 thì thửa đất trên lại chia thành ba thửa 40, 44, 43 và có tên ông Hoàng Văn Cánh và Hoàng Văn Quảng. Vậy căn cứ pháp lý nào để chia tách thành ba thửa và có tên ông Cánh và ông Quảng?
Vẫn như câu trả lời trên, UBND xã cho rằng họ là người tiếp nhận hồ sơ sau này, phần ghi tên ông Cánh, ông Quảng họ không biết lý do gì lại có tên như vậy.
Tiếp đến Luật sư đề nghị bị đơn trả lời căn cứ pháp lý nào bị đơn cho rằng đất đó là của ông Hoàng Văn Cánh, bị đơn có chứng cứ nào để chứng minh việc đó? Bị đơn cho rằng bị đơn không phải người đi kiện nên việc chứng minh đó là do nguyên đơn chứ không phải của bị đơn. Bị đơn dẫn giải các văn bản giải đáp của UBND xã, huyện trả lời nhưng không cung cấp được chứng cứ gì thêm liên quan đến chứng minh quyền sử dụng đất.
Vậy sự thật vụ án như thế nào thì phải chờ vào sự công tâm, khách quan theo đúng quy định của pháp luật của người cầm cân nẩy mực.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa thông tin vụ việc trên