Thông điệp về niềm tự hào đất nước được kết nối, lan tỏa từ âm nhạc Văn Cao

(PLM) - Trong cuộc gặp gỡ báo chí giới thiệu về chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), Tổng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam nhấn mạnh: "Thông điệp chương trình đọng lại phải vượt trên một chương trình ca nhạc. Bên cạnh chân dung người nghệ sĩ thì thông điệp lớn hơn đọng lại là hình ảnh, ý nghĩa của dân tộc, của niềm tự hào đất nước, khí thế vươn lên được kết nối lan tỏa từ âm nhạc Văn Cao".

Nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), được sự chỉ đạo và phối hợp tổ chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” nhằm tôn vinh tài năng của tác giả Quốc ca Việt Nam.

Chương trình “ Đàn chim Việt “ là tập hợp của những tác phẩm được biết đến của Văn Cao ở cả ba thể loại : Tình ca, hành khúc và trường ca như Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca, Tiến về Hà nội, Chiến sĩ Việt Nam …Tuy thế, với tất cả tâm huyết của mình, ekip thực hiện chương trình sẽ cố gắng mang đến một đêm nghệ thuật chất lượng, giàu sự sáng tạo và đúng với tinh thần nghệ thuật của Văn Cao nhất. Những bản phối mới, nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại, quy mô sự kiện diễn ra cả trong và ngoài Nhà hát Lớn với những màn trình diễn của hơn 300 diễn viên sẽ khiến “ Đàn chim Việt “ thực sự là một sự kiện nghệ thuật điểm nhấn trong tháng 8 lịch sử và chào đón ngày Tết Độc lập 2-9.

Tham gia biểu diễn trong chương trình là hơn 300 nghệ sĩ, trong đó có nhiều giọng ca tên tuổi của làng nhạc Việt Nam, như: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Vũ Thắng Lợi, Đào Mác, Yvol, Ngô Hương Diệp, Đỗ Tố Hoa, Thu Hằng, Bùi Trang, Tạ Quang Thắng,…

Trong cuộc gặp gỡ báo chí giới thiệu về chương trình diễn ra sáng 3/8 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Đức Trịnh nhấn mạnh: "Đêm nhạc Đàn chim Việt vượt qua một chương trình nghệ thuật thông thường, là một sự kiện nghệ thuật để người hâm mộ, người dân tưởng nhớ về chân dung một người nghệ sĩ tài hoa ở nhiều lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Tài năng sáng tác của Văn Cao cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt trong đó là bài hát Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc. Trong chương trình, ngoài khán giả của Nhà Hát Lớn, còn có các "nhà thẩm định" qua màn ảnh nhỏ. Chúng tôi muốn mang hết khả năng sáng tạo của mình trong khoảng thời gian 90 phút tại Nhà Hát Lớn Hà Nội".

Trong khuôn khổ buổi gặp gỡ báo chí, họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cũng chia sẻ: “Văn Cao luôn mong muốn thưởng thức, tìm tòi cái đẹp trong giai điệu, trong ca từ và trong hội họa, điều đó đã làm nên một nhạc sĩ trong lòng quần chúng”.

Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ

Theo Tổng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam thì vấn đề đầu tiên của chương trình đó là phải tìm được thông điệp, chủ đề mà chương trình hướng tới. Sau thời gian bàn bạc rất lâu, Ban tổ chức thống nhất không chỉ trình diễn các bài hát nổi tiếng, thông điệp chương trình đọng lại phải vượt trên một chương trình ca nhạc. Bên cạnh chân dung người nghệ sĩ thì thông điệp lớn hơn đọng lại là hình ảnh, ý nghĩa của dân tộc, của niềm tự hào đất nước, kết nối lan tỏa từ âm nhạc Văn Cao. Đó là cốt lõi đặt ra khi làm chương trình. Từ cốt lõi đó, sẽ có định hướng dàn dựng và cách thể hiện.

"Sau thời gian tìm tòi, suy nghĩ rất lâu, chúng tôi đã quyết định làm chương trình, lần đầu tiên thử thách chính mình. Ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, không chỉ diễn ở một sân khấu bình thường, mà diễn cả "từ trong ra ngoài", "từ trên xuống dưới". Với những chương trình khác, khán giả sẽ đến Nhà Hát Lớn để xem ở bên trong. Nhưng với chương trình này thì hoàn toàn ngược lại, phía bên ngoài là sân khấu chính, bên trong có thể xem những gì đang diễn ra ở bên ngoài. Có nghĩa là tất cả các giới hạn sẽ được phá bỏ. Số lượng đồng diễn, tổ chức phải lên đến hàng ngàn người. Lần đầu tiên làm chương trình cả bên trong lẫn bên ngoài, chúng tôi đã họp và đưa ra các giải pháp để làm sao vừa thỏa mãn tinh thần cho khán giả tại chỗ mà cả khán giả truyền hình cũng được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất. Với phần âm nhạc, các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao có thể nói "từ tinh tế nhất đến đồ sộ nhất", cho nên phần nhạc rất phức tạp. Từ dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử, nhạc dân tộc, phối hợp với nhau rất khó khăn. Tuy nhiên rất may mắn khi có nhạc sĩ Đỗ Bảo, đã huy động đội ngũ hùng hậu để làm chương trình. Mỗi cố gắng, nỗ lực của cá nhân giống như cánh chim hoà cùng đàn chim để truyền đạt thông điệp lớn. Yếu tố quan trọng nhất của chương trình là Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Tôi muốn làm sao nơi đây có số lượng lớn khán giả đến xem, càng nhiều càng tốt. Tại đây, chúng tôi muốn tái hiện phân cảnh lịch sử, và thể hiện bài hát Tiến Quân Ca. Mong muốn có nhiều sự tương tác của khán giả, nhất là khán giả trẻ, để thế hệ tiếp theo tiếp nối truyền thống và họ sẽ đầy tự hào mà nhân rộng ra nữa" - Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ.

Với nhạc sĩ Đỗ Bảo, cảm xúc ngày đầu khi tham dự chương trình này là rất choáng, cực kỳ choáng, vì chưa từng tham gia chương trình nào tổ chức quy mô lớn như vậy. Theo anh, chương trình có đến 4 dàn nhạc: Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO), Hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn Quân nhạc của Đoàn Nghi lễ Quân đội, Dàn nhạc điện tử MUCA – Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nên số lượng người rất đông.

"Đây là một chương trình giống như đại nhạc hội, có đủ những ca sĩ ở cả trong Nam ra đến ngoài Bắc, đều là những ca sĩ có tên tuổi, am hiểu rất nhiều dòng nhạc, thậm chí là cả những ca sĩ hải ngoại. Với khối lượng công việc rất phức tạp, có quá đông dàn nhạc, ca sĩ, vậy làm sao để chương trình có thể diễn ra, phát sóng được? Làm sao để truyền tải từng chi tiết nhỏ trên sóng truyền hình? Chính vì thế, sinh ra yêu cầu, chúng tôi phải làm một quy trình thu âm rất phức tạp. Việc thu âm phải tổ chức chặt chẽ và khoa học. Chúng tôi đã chuẩn bị từ cuối tháng 5 với khâu sản xuất cực kỳ phức tạp. Hiện nay, chúng tôi đã qua giai đoạn phần lớn công việc, cũng có những sự lạc quan, tuy nhiên chúng tôi vẫn rất lo lắng. Hy vọng trong những ngày tới có thể triển khai tốt những phần việc còn lại" - Đỗ Bảo chia sẻ.

Sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, Văn Cao - người chiến sĩ của đội Danh dự Việt minh khi ấy mới tròn 22 tuổi. Người trước đó chỉ được biết đến bởi những bài tình ca, nổi danh trong nền Tân nhạc Việt Nam ở cuối những năm 30 thế kỷ trước là người tài hoa với thi, nhạc lãng mạn - đã làm giàu cho gia tài âm nhạc của đời mình bằng hùng ca và hoàn thành bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng tài năng không giới hạn ở thể loại.

Cũng từ những ngày tháng tám ấy, tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao vĩnh viễn gắn liền với lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam như một tài năng lớn, đầy phẩm cấp. Sự hiện diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã mang lại không chỉ những tác phẩm đáng giá mà nhân cách của ông cũng là tài sản của một thế hệ những người yêu nước, đầy lý tưởng, và lớn hơn cả là một lòng với Độc lập của dân tộc.

Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).

Đức Anh - Thu Hà