Sốt xuất huyết Dengue: Hiểm họa toàn cầu và giải pháp tích hợp để hướng tới không còn ca tử vong

(PLM) - Nhằm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6), sáng 14/6, Báo Sức khỏe & Đời sống (thuộc Bộ Y tế) phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hướng tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết: Hiệp lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp”. Đây là dịp để các chuyên gia cùng chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Tọa đàm hướng đến việc thúc đẩy hành động cộng đồng và phối hợp liên ngành, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sốt xuất huyết Dengue, trang bị kiến thức phòng tránh và xử lý kịp thời. Qua đó, góp phần giảm số ca mắc và tiến tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết. WHO đang đặt ra mục tiêu toàn cầu: Đưa số ca tử vong vì sốt xuất huyết về 0 vào năm 2030.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết Dengue (SXHD) đang đe dọa sức khỏe của khoảng 3,9 tỷ người – gần một nửa dân số toàn cầu. Mỗi năm, thế giới ghi nhận 100–400 triệu ca mắc, trong đó khu vực châu Á chiếm 70% gánh nặng bệnh tật. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay đã có 22.974 ca mắc và 5 trường hợp tử vong. Trước nguy cơ dịch bùng phát, Bộ Y tế liên tục cảnh báo và kêu gọi hành động quyết liệt từ cộng đồng.

SXHD diễn biến phức tạp và thách thức mới

SXHD là bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền virus Dengue. Đáng lo ngại, bệnh đang lan rộng sang nhiều quốc gia và khu vực mới do biến đổi khí hậu, đô thị hóa và gia tăng di chuyển. PGS.TS.BS Phạm Quang Thái (Phó trưởng khoa Kiểm Soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) nhấn mạnh: "Trước đây, khi nói đến SXHD thì chúng ta có ‘khoảng lặng’ ở khu vực miền bắc vì mùa đông và chúng ta thấy những khoảng lặng ấy có thời điểm mà không có ca bệnh. Những thời điểm đấy được coi là tĩnh lại một chút để chúng ta có thời gian chuẩn bị công tác phòng chống, nhưng bây giờ gần như là không có cái thời điểm nào ngừng cả trong bất cứ thời điểm nào kể cả trong Nam ngoài Bắc, kể cả ở vùng núi – nơi từng ít ca bệnh."

PGS.TS.BS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Tại Việt Nam, các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Khánh Hòa... luôn là điểm nóng của dịch SXHD. ThS.BS Võ Hải Sơn (Phó Cục trưởng Cục Phòng Bệnh, Bộ Y tế) cho biết: "Chu kỳ dịch rút ngắn từ 5 năm xuống 2 năm. Nếu không kiểm soát tốt, số ca mắc có thể vượt 200.000 trong năm 2025."

Hậu quả nặng nề: Từ tử vong đến gánh nặng kinh tế

SXHD chưa có thuốc đặc trị, diễn tiến nhanh và nguy hiểm. PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường (Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: "Nhiều bệnh nhân nhập viện muộn khi đã sốc, giảm tiểu cầu nghiêm trọng, dẫn đến tử vong. Bệnh còn để lại di chứng như rụng tóc, suy nhược kéo dài."

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

Bên cạnh đó, SXHD gây áp lực lên hệ thống y tế và kinh tế gia đình. Ông Benjamin Ping (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam) chia sẻ: “Khi nghiên cứu thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù nhận thức chung về SXHD khá cao, nhưng phần lớn người dân chưa thực sự hiểu rõ tác động của bệnh này, chẳng hạn như những gánh nặng mà người bệnh phải chịu, như nhập viện, nghỉ học, nghỉ làm. Sốt xuất huyết Dengue không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của từng cá nhân mà còn tạo áp lực kinh tế lên gia đình và xã hội”.

Benjamin Ping – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam

Chìa khóa ngăn chặn dịch bùng phát

Để đạt mục tiêu "không còn ca tử vong do SXHD vào 2030" như WHO đề ra, các chuyên gia tại tọa đàm đã đưa ra 4 trụ cột then chốt. Thứ nhất, các chuyên gia nhấn mạnh việc kiểm soát véc-tơ chủ động bao gồm diệt bọ gậy, loăng quăng, phun hóa chất tại điểm nóng, đồng thời xử lý môi trường, thu gom rác thải, lật úp vật chứa nước. ThS.BS Võ Hải Sơn nhắc nhở: "Ngay cả chậu cây treo trên cao cũng có thể thành ổ muỗi nếu đọng nước."

Thứ hai, các chuyên gia đề cập đến vấn đề cần nâng cao năng lực y tế bằng việc tập huấn chẩn đoán sớm cho tuyến cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, dịch truyền tại vùng dịch.

Thứ ba, việc truyền thông đa kênh cần được chú trọng. Cần phối hợp truyền hình, mạng xã hội, tổ dân phố để tiếp cận mọi đối tượng. PGS.TS Phạm Quang Thái gợi ý: “Đôi khi đài báo không tiếp cận được với vùng sâu vùng xa nhưng nếu truyền thông trực tiếp thì cũng hiệu quả. Thông qua kênh truyền thông trực tiếp từ những người có tiếng nói trong cộng đồng, những người tự chia sẻ thông tin từ chính những trải nghiệm của họ đối với cộng đồng thì hiệu quả lan tỏa thông điệp sẽ rất cao”.

Thứ tư, khuyến cáo người dân tiêm vaccine dự phòng. Vaccine SXHD đã được WHO khuyến nghị cho vùng dịch lưu hành. Ông Benjamin Ping cho biết: “Vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng tại các quốc gia có gánh nặng bệnh cao như Việt Nam. Sản phẩm hiện đã được phê duyệt tại 40 quốc gia, với hơn 15,5 triệu liều được phân phối trên toàn cầu trong cả khu vực công và tư. Takeda đặt mục tiêu sản xuất 100 triệu liều mỗi năm từ nay đến năm 2030 nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định trên phạm vi toàn cầu”.

ThS.BS Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế

ThS.BS Võ Hải Sơn nhấn mạnh: "Phòng bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế. Mỗi gia đình cần chủ động diệt muỗi, ngủ màn, và đưa người bệnh đến viện sớm khi có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, chảy máu chân răng."

Tọa đàm lan tỏa thông điệp hành động đầy quyết tâm với phương châm: “Hiểu đúng – Phòng sớm – Điều trị đúng cách – Phối hợp liên ngành”, kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay đẩy lùi sốt xuất huyết Dengue, hướng tới mục tiêu không còn ca tử vong vì căn bệnh này tại Việt Nam.

Ngọc Mỹ - Anh Trần