Sóng nhạc Hồ Gươm xanh - Bản giao hưởng của dân tộc và thời đại

(PLM) - Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIV (3/9/2010 – 3/9/2023), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” vào tối 25/8, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.

Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIV (3/9/2010 – 3/9/2023), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” vào tối 25/8, tại Nhà hát Hồ Gươm (40-40A, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tới dự chương trình có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước…

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu tham dự chương trình

Phát biểu tại khai mạc chương trình, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, sự ra đời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thêm sức mạnh để âm nhạc cách mạng Việt Nam thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần yêu thương con người, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Âm nhạc là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn, Ngày Âm nhạc Việt Nam - Ngày hội tôn vinh nền Âm nhạc Việt Nam – Hội tụ và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất với tất cả mọi người.

Chương trình nhằm góp phần tôn vinh những đóng góp của giới nhạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam; phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam; giáo dục thế hệ trẻ và làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ đạo dàn nhạc

Chương trình gồm 3 phần, do PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ đạo nghệ thuật; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh tổng đạo diễn. Trong đó, phần 1 “Sóng đàn Thăng Long”, tôn vinh các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc và ca khúc mang âm hưởng dân ca - thể hiện tính kế thừa truyền thống, phản ánh một phần bức tranh của âm nhạc Việt Nam thời kỳ trước, làm nền tảng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Ca sĩ Anh Thơ biểu diễn trong chương trình

Phần 2 “Kể chuyện sông Hồng”, gồm những tác phẩm viết theo phong cách thính phòng cổ điển, cho thấy sự hội nhập và phát triển của âm nhạc trong việc tiếp thu tinh hoa của âm nhạc thế giới một cách có chọn lọc, để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phần 3 “Những giai điệu mãi xanh”, là những tác phẩm đi cùng năm tháng, gắn liền với nhiều sự kiện, lịch sử của đất nước như một cuốn biên niên sử bằng âm thanh, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu giữa con người với con người và thiên nhiên tươi đẹp - mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Trọng Tấn thăng hoa cùng ca khúc Tiếng Đàn Bầu

Khán giả được thưởng thức các tác phẩm “Đất nước thái hòa”, “Tiếng đàn bầu”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Bài ca Hà Nội”, “Kể chuyện sông Hồng”, “Trời Hà Nội xanh”, “Tình yêu Hà Nội”, “Mười chín Tháng Tám”, “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”, “Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi”, “Mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam”… do các Nghệ sĩ nhân dân: Phạm Ngọc Khôi, Tạ Minh Tâm, Quốc Hưng và Nghệ sĩ ưu tú Ngô Hoàng Linh; các ca sĩ: Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh và Dàn nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Big Band… biểu diễn.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đồng chí lãnh đạo tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ

Ngày mùng 3/9/2010, Ngày Âm nhạc Việt Nam lần đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Lấy biểu tượng Ngày Âm nhạc Việt Nam là hình ảnh Lãnh tụ Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đang từ sự kiện lịch sử Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca Kết đoàn, chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội Đảng lần thứ III tại Công viên Bách thảo (Hà Nội) vào ngày 3/9/1960. Ngày 26/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số:1722/QĐ -TTg lấy ngày 03/09 hàng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam. Ngày 23/8/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Công văn số 3695-CV/BTGTW về việc tuyên truyền và tổ chức các hoạt động Ngày âm nhạc Việt Nam rộng khắc trong cả nước theo đúng tinh thần kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 319-TB/TW, ngày 01/4/2010 về việc tổ chức Ngày âm nhạc Việt Nam.

Ngày Âm nhạc Việt Nam trải qua những mùa hội với nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt, các hoạt động biểu diễn, giao lưu diễn ra rộng khắp trên cả nước. Điều đó khẳng định tầm quan trọng và sứ mệnh của âm nhạc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, cũng như trong đời sống. Góp phần tôn vinh những đóng góp của giới nhạc sĩ, nghệ sĩ, phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, giáo dục thế hệ trẻ và làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú.

Trần Đức Anh