Nhiều địa phương tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh trước khi sáp nhập

(PLVN) -  Ngày 24/6, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Định, HĐND tỉnh Thái Bình... đã khai mạc kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ trước thềm sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện chính quyền hai cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Sáng 24/6, tại Trung tâm hội nghị (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) diễn ra kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh khoá XII I, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp HĐND cuối cùng trước khi sáp nhập tỉnh và tỉnh này sẽ là tỉnh Gia Lai thời gian tới.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền; đồng thời là kỳ họp cuối cùng của HĐND tỉnh Bình Định trước khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện chính quyền hai cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tại kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định thông tin trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước tăng 8,1%, tất cả các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 27,36%, công nghiệp và xây dựng chiếm 29,65%, dịch vụ chiếm 38,92%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,07%.

Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì ổn định, với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 3,3%. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ với diện tích hơn 5.800 ha, đạt 77,1% kế hoạch năm; thực hiện 184 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn 8.700 ha, tăng 280 ha so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 143,5 nghìn tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ. Chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác ở vùng biển xa tiếp tục thực hiện có hiệu quả; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).

Sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 11,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,03% (quý 1 tăng 10,17%, quý 2 tăng 8,0%). Trong 6 tháng đầu năm, có 49 dự án công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, góp phần đảm bảo mức tăng trưởng ổn định cho sản xuất công nghiệp.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi, phát triển mạnh mẽ, với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 9%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 8,6%. Hàng Hóa phong phú, đa dạng lưu thông thông suốt, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Hoạt động xuất khẩu phát triển khá, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội lớn có tác động lan tỏa mạnh mẽ thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng kinh tế, nhất là dịch vụ - du lịch, thương mại, như: Lễ hội Ẩm thực Bình Định lần thứ II, Lễ hội Du lịch hè, Giải chạy VnExpress Marathon... góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, với tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 6,5 triệu lượt, tăng hơn 13,5% và doanh thu du lịch tăng 14,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, đã tổ chức Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời Q-FAIR 2025, quy tụ trên 100 doanh nghiệp triển lãm, với khoảng 1.000 gian hàng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 9.600 tỷ đồng, đạt 55,1% dự toán năm, tăng 48% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) thực hiện là 4.312,2 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán năm, tăng 22,3% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất thực hiện 4.892 tỷ đồng, đạt 67,9% dự toán năm, tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương là 12.088 tỷ đồng, đạt 50,6% dự toán năm, tăng 44,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: sản xuất nông nghiệp còn phân tán, thiếu sản phẩm chủ lực, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và xuất khẩu; hạ tầng một số Cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thu hút nhà đầu tư. Sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, chất lượng chưa cao.

Dự kiến, kỳ hợp sẽ kéo dài đến hết ngày 25/6.

Khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân lần thứ 10 trước khi sáp nhập.

Cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 10. Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong thời điểm toàn tỉnh đang gấp rút chuẩn bị cho việc hợp nhất với tỉnh Hưng Yên, theo chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính của Trung ương.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, Kỳ họp diễn ra vào thời điểm các cấp, các ngành đang tập trung cao độ thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị với phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, linh hoạt, thần tốc nhưng bảo đảm chắc chắn, hiệu quả. Với tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm cùng sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, toàn tỉnh đã cố gắng, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện song song hai nhiệm vụ lớn, vừa thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, vừa tập trung cao độ sắp xếp, tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình chính quyền hai cấp, tiến tới hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh đảm bảo đúng lộ trình, yêu cầu của Trung ương.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, HĐND tỉnh đã tổ chức 4 kỳ họp phát sinh, kịp thời xem xét và thông qua 34 nghị quyết quan trọng, trong đó có những nghị quyết mang tính lịch sử như: chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, và đặc biệt là nghị quyết hợp nhất tỉnh Thái Bình với tỉnh Hưng Yên để hình thành tỉnh Hưng Yên mới.

Ông Nguyễn Tiến Thành – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình phát biểu khai mạc.

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng, đánh dấu bước chuyển tiếp cuối cùng trước khi Thái Bình chính thức hợp nhất. Ông Thành đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, phát biểu rõ ràng quan điểm, đặc biệt với những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong từng quyết định, đồng thời góp phần định hướng cơ chế, chính sách cho tỉnh Hưng Yên mới vận hành hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và người dân.

Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 36.150 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng ước đạt hơn 70.500 tỷ đồng, tăng 18,32%; riêng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22,28% (ước đạt 54.200 tỷ đồng).

Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được triển khai theo hướng thực chất, hiệu quả. Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số lên 46 xã đạt chuẩn nâng cao và 6 xã đạt chuẩn kiểu mẫu.

Về đầu tư công, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và giải ngân ước đạt 4.550,2 tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 124 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm hơn 21.400 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 745 triệu USD, tăng gấp 3,2 lần.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt 21.132,7 tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán năm và tăng 56% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 8.362,4 tỷ đồng, bằng 89,1% dự toán, tăng 102,9%.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Quốc phòng – an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ họp HĐND lần thứ 10 là cột mốc lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Thái Bình trong tiến trình sáp nhập, hướng tới xây dựng một tỉnh Hưng Yên mới năng động, hiệu quả và phát triển bền vững.

Quang cảnh Kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau.

Chiều 24/6, HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 21 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Kỳ họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 và xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đây là dấu mốc đặc biệt, đánh dấu bước chuyển lịch sử khi từ ngày 01/7/2025, HĐND tỉnh Cà Mau và HĐND tỉnh Bạc Liêu sẽ hợp nhất, chính thức vận hành bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình mới.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Phạm Thành Ngại –Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: 6 tháng đầu năm 2025 là giai đoạn quan trọng khi tỉnh cùng cả nước khẩn trương triển khai chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Một trong những điểm sáng nổi bật là Cà Mau hoàn thành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát với 4.400 căn nhà, về đích sớm hơn kế hoạch 2,5 tháng. Việc triển khai không chỉ dừng ở hỗ trợ nhà ở mà còn lồng ghép xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Về phát triển kinh tế, tỉnh đạt mức tăng trưởng 6,46%; thu ngân sách 3.144 tỷ đồng (tăng 2%), chi ngân sách 7.101 tỷ đồng (tăng 41,3%), kim ngạch xuất khẩu đạt 649 triệu USD (tăng 7,4%). Các lĩnh vực như thủy sản, thương mại, du lịch tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh, giáo dục – y tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ.

Liên quan đến việc sáp nhập và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Cà Mau đã hoàn tất công tác chuẩn bị, thành lập các tổ công tác hỗ trợ cơ sở, hướng dẫn vận hành bộ máy cấp xã từ ngày 23/6. Các địa phương đã sẵn sàng đưa mô hình mới vào hoạt động chính thức từ ngày 01/7/2025.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Cà Mau đã nghe và xem xét nhiều báo cáo quan trọng: tình hình kinh tế - xã hội; hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cục Thi hành án dân sự; công tác tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đồng thời, biểu quyết thông qua 21 báo cáo và 3 Nghị quyết trọng tâm về kinh tế - ngân sách, đầu tư công, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính.

Bà Lê Thị Nhung – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch điều hành HĐND tỉnh, đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của đại biểu. Bà nhấn mạnh: Dù đối diện nhiều khó khăn trong nửa đầu năm, nhưng tỉnh đã đạt kết quả tích cực, tạo nền tảng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt trên 8%.

Đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại Kỳ họp.

Phó Chủ tịch điều hành HĐND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đào tạo nghề, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu OCOP, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, bà Nhung nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm vận hành hiệu quả mô hình chính quyền mới từ 1/7/2025, bà đề nghị chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh sau hợp nhất, kịp thời kiện toàn nhân sự, ban hành các nghị quyết quan trọng để đảm bảo điều hành thông suốt trong giai đoạn chuyển tiếp.

Kỳ họp thứ 21 – kỳ họp cuối cùng của HĐND tỉnh Cà Mau khóa X – đã thành công tốt đẹp, là dấu ấn chính trị và pháp lý quan trọng, mở đường cho bộ máy chính quyền địa phương sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Tại Hải Phòng, Thường trực HĐND TP Hải Phòng mới ban hành Quyết định số 19 về việc triệu tập kỳ họp Kỳ họp thứ 27 (chuyên đề) HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo đó, kỳ họp diễn ra trong 1/2 ngày 26/6/2025 tại Trung tâm hội nghị TP, nhằm thực hiện các công việc cấp thiết phát sinh từ tình hình thực tiễn trong các tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Kỳ họp xem xét, quyết định 3 nội dung, cụ thể: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn TP giai đoạn 2021 – 2025; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công TP năm 2025; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo.

Ngọc Châu