Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Đức đến năm 2025
(PLM) - Huyện Mỹ Đức là một trong những vùng huyện bán sơn địa, nằm ở phía tây nam của Hà Nội. Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy, huyện Mỹ Đức có nhiều lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025
Kế thừa, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Đức lần thứ XXIII của Đảng bộ huyện, kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển trong môi trường chính trị ổn định trên nền tảng thành tựu 35 năm đổi mới của đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Huyện Mỹ Đức đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 trong Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, với việc chủ động xây dựng, cụ thể hóa nghị quyết bằng các chương trình, đề án sát với tình hình thực tiễn trong huyện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu xây dựng huyện có phong cảnh đẹp, môi trường trong lành, là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng, nơi sống lý tưởng trong tương lai.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cao các quy hoạch đã được thành phố phê duyệt, xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực trên cơ sở đó tập trung phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững, tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ; chọn mũi nhọn du lịch, dịch vụ làm trung tâm đột phá phát triển kinh tế; chuyển đổi mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp, mở rộng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp chất lượng có tính cạnh tranh cao, gắn sản phẩm nông nghiệp vào phục vụ ngành du lịch, phát triển và mở rộng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; định hướng mở rộng, hiện đại hóa công nghiệp, giải quyết ô nhiễm môi trường và những vấn đề xã hội.
Ly nông không ly hương
Trên địa bàn huyện, có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, huyện đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trong nông nghiệp, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang những mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi phù hợp.
![]() |
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển các làng nghề cũ và phát triển các nghề mới; ưu tiên và tập trung vào các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, mây tre đan, chế biến nông - lâm sản - thực phẩm và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu.
Mặc dù huyện Mỹ Đức đang phát triển các ngành kinh tế khác nhưng lò gạch vẫn là một ngành truyền thống được nhiều người dân trong huyện lựa chọn để kiếm sống.
Theo ông Cao Văn Tuyến, Bí thư chi bộ thôn Bình Lạng, xã Hồng Sơn cho biết: Trước đây, nhiều người dân trong huyện Mỹ Đức phải làm nông nghiệp và sống dựa vào mùa vụ. Nhưng nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất gạch, nhiều người dân đã có thể có một nguồn thu nhập ổn định hơn.
Nếu lò gạch không còn hoạt động, điều này có thể đối diện với khó khăn về việc làm và phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, tôi mong muốn lò gạch phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân xã Hồng Sơn và địa bàn huyện Mỹ Đức nói chung, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân”, ông Tuyến cho hay.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp mới, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý, ổn định chính sách để khuyến khích phát triển từng cây, con, từng vùng chuyên canh.
Nhiều giống cây mới, chất lượng, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất. Nhờ vậy, giá trị ngành nông nghiệp ngày càng cao, trong đó giá trị chăn nuôi chiếm một tỷ trong lớn.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế và tăng cường giá trị sản xuất không thể đạt được nếu không có sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết và quyết tâm của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Với tinh thần quyết tâm và sự đoàn kết của cộng đồng, huyện Mỹ Đức chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng được một vùng đất du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của thành phố Hà Nội và cả nước.