Màn kịch nghẹt thở sau cuộc gọi video giả danh công an truy bắt tội phạm

(PLM) - Đối tượng giả danh công an mặc đọc đúng các thông tin cá nhân và dựng lên một “màn kịch” điều tra tội phạm ma túy. Với giọng điệu gay gắt, chúng đưa ra hàng loạt lời đe dọa như: “Theo hồ sơ chúng tôi tiếp nhận, anh/chị đang liên quan tới một đường dây tội phạm bị truy nã toàn quốc”,...Những câu nói đầy áp lực khiến nạn nhân hoang mang, mất kiểm soát và dễ dàng làm theo chỉ đạo.

Giây phút hoảng loạn vì bị truy bắt qua cuộc gọi video

Chiều cùng ngày, chị V. (Hà Đông, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi từ người lạ xưng là nhân viên giao hàng, thông báo sẽ chuyển đến một bưu phẩm chị đặt hàng. Do không có mặt ở nhà, chị chủ động hẹn người này quay lại vào buổi tối. Mọi thứ diễn ra bình thường, cho đến khi đúng 20 giờ, chị bất ngờ nhận được một cuộc gọi video qua Zalo từ tài khoản có tên “Khanh Nguyen”.

Trên màn hình hiện rõ hình ảnh một người đàn ông mặc quân phục công an, đứng cạnh một chiếc bàn gỗ, nơi bày biện nhiều giấy tờ và vật chứng: căn cước công dân, phong bì vàng, giấy trắng và một số gói vật thể lạ màu trắng. Không gian phía sau giống như một phòng làm việc kín, ánh sáng trắng, camera quay chính diện tạo cảm giác như một cuộc làm việc nghiêm túc tại cơ quan chức năng.

Vị “cán bộ” này ngay lập tức gọi đúng họ tên, ngày sinh và đọc chính xác số căn cước công dân của chị V., đồng thời tuyên bố rằng thông tin cá nhân của chị đang bị lợi dụng để mua bán ma túy, tham gia đường dây rửa tiền xuyên quốc gia. “Chúng tôi cần xác minh đơn hàng này, chị không phải nghi phạm nhưng có liên quan tới đường dây đã bị truy nã từ lâu” – đối tượng dồn dập khẳng định.

Sau đó, người cán bộ "rởm" đưa ra một “bằng chứng” là kiện hàng chứa chất cấm và rất nhiều căn cước công dân giả, có in rõ địa chỉ của chị, rồi yêu cầu bật camera để “xác minh danh tính” và “hỗ trợ điều tra”. Toàn bộ tình huống được dựng lên dưới danh nghĩa “biện pháp nghiệp vụ” khiến chị V. rơi vào trạng thái hoảng loạn, không kịp phản ứng và tin rằng mình đang thật sự bị điều tra liên quan đến tội phạm nguy hiểm.

Hình ảnh đối tượng bị còng tay trong cuộc gọi video – một phần trong kịch bản lừa đảo giả danh công an hoàn hảo được nạn nhân cung cấp.

“Tôi đã rất lo lắng và tin rằng tất cả những gì họ nói là thật. Tôi nghe theo hoàn toàn mọi chỉ dẫn mà không mảy may nghi ngờ. Họ gửi cho tôi một đường link, nói rằng đây là kênh làm việc trực tuyến nội bộ của Bộ Công an. Sau đó, họ yêu cầu tôi chụp mặt trước và mặt sau căn cước công dân, gửi vào đường dẫn riêng để “xác minh thông tin”. Tôi đã làm tất cả, vì lúc ấy tôi chỉ nghĩ: nếu không hợp tác, mình sẽ bị quy là tòng phạm.” - Chị V chia sẻ.

Ngay sau khi xác nhận được thông tin cá nhân, đối tượng bắt đầu yêu cầu chị phải đăng nhập vào một ứng dụng của họ có tên là: “Bảo mật tài khoản” để thực hiện “xác minh tài sản”. Ứng dụng này yêu cầu cấp quyền truy cập toàn bộ điện thoại, từ danh bạ, tin nhắn đến các ứng dụng ngân hàng điện tử. Sau vài phút, tài khoản ngân hàng của chị đột ngột báo bị đăng nhập từ thiết bị lạ. Chỉ trong chưa đầy 30 phút, hơn 24.000.000 đồng trong tài khoản của chị đã biến mất không dấu vết.

Chị V. cố gắng liên lạc lại qua Zalo nhưng tài khoản “Khanh Nguyen” đã chặn liên hệ. Lúc này chị mới bàng hoàng nhận ra: mình là nạn nhân của một đường dây lừa đảo công nghệ cao chuyên giả danh công an dựng phòng làm việc ảo để thao túng người dân.

Nguồn: Ảnh minh họa do AI tạo bởi Chat GPT (OpenAI)

Vì sao vẫn có quá nhiều người sập bẫy?

Dù các thủ đoạn lừa đảo này không còn mới, nhưng vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người liên tục trở thành nạn nhân. Vấn đề không chỉ nằm ở sự tinh vi của đối tượng, mà còn bắt nguồn từ tâm lý cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật và sự hoảng loạn khi nghe nhắc tới công an, hồ sơ, tội phạm, tiền bạc.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) “Không có bất kỳ cơ quan chức năng nào yêu cầu công dân làm việc thông qua Zalo hay gọi video để xác minh hồ sơ. Mọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chụp căn cước công dân, tài khoản ngân hàng hay mã OTP đều là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân tuyệt đối không nên làm theo.”

Nhiều người cho rằng mình “không làm gì sai thì không sợ”, nhưng khi bị gọi tên đầy đủ, đọc đúng số căn cước và địa chỉ, lại bị dẫn dắt bằng ngôn ngữ nghiệp vụ, giọng nói nghiêm trọng – họ dễ dàng mất kiểm soát. Sự hoảng sợ, cộng với cảm giác bị "điều tra", là mảnh đất màu mỡ để niềm tin bị thao túng.

Mặt khác, các đối tượng lừa đảo luôn đóng vai người giúp đỡ: hỗ trợ định danh, xác minh hồ sơ, kiểm tra thông tin để tránh bị "cắt quyền lợi". Chính sự “tử tế giả tạo” ấy khiến người dân hạ thấp cảnh giác và tự nguyện hợp tác. Khi nhận ra mình bị lừa thì tài khoản đã bị đánh cắp, thông tin cá nhân bị khai thác toàn diện.

Tỉnh táo là lá chắn cuối cùng

Công nghệ có thể thay đổi mỗi ngày, nhưng thủ đoạn lừa đảo luôn có chung một điểm: chúng cần bạn sợ, và cần bạn tin. Một khi đã hoảng loạn, bạn sẽ không còn đủ tỉnh táo để phân biệt thật – giả, đúng – sai.

Trong thời đại số, niềm tin mù quáng là thứ xa xỉ và dễ bị lợi dụng nhất. Tỉnh táo, kiểm chứng, không chia sẻ thông tin cá nhân và tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa xác minh rõ. Đó là “vắc xin miễn dịch” duy nhất chống lại những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nhiều lần cảnh báo rằng: “Mọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, căn cước công dân, mã OTP, hoặc tải ứng dụng lạ từ các cuộc gọi, tin nhắn đều là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.” Việc cán bộ “chủ động kết bạn Zalo” hay “gửi link app” để hỗ trợ làm tại nhà là chiêu trò hoàn toàn bịa đặt. Đặc biệt, việc yêu cầu chụp căn cước công dân, cung cấp OTP, tải ứng dụng lạ chính là thủ đoạn để đánh cắp dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Nhiều trường hợp mất trắng hàng trăm triệu đồng chỉ vì mất cảnh giác trong vài phút gọi video.

Người dân cần cảnh giác tuyệt đối với các cuộc gọi mạo danh. Ba nguyên tắc cần nhớ là: không cung cấp thông tin cá nhân, không cài đặt ứng dụng lạ, không chuyển tiền dưới bất kỳ lý do nào. Khi gặp tình huống đáng ngờ, hãy chủ động liên hệ đường dây nóng 113 hoặc trình báo tại cơ quan công an gần nhất.

Thu Giang