Luật pháp và thi ca
(PLM) - “Có khác nhau không giữa luật pháp và thi ca? Không hề! Vì tôi nghĩ cả hai cái đó đều đi đến tinh thần bảo vệ lẽ phải, đều bảo vệ nhân tính trong con người” – Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Sáng ngày 29/4, tại Hà Nội, trong chương trình ra mắt tác phẩm thơ Diệu kỳ của luật sư Đào Ngọc Lý, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ một vài quan điểm về mối quan hệ giữa luật pháp và thi ca.
Theo ông, tất cả bộ luật sinh ra đều để bảo vệ sự công bằng, bảo vệ con người trong cuộc sống và văn chương hay nói riêng thi ca là bảo vệ vẻ đẹp nhân tính trong mỗi con người. Vậy nên, Có khác nhau không giữa luật pháp và thi ca?
Không hề!
“Tôi nghĩ rằng luật sư mà sống vô cảm, không có cảm xúc với bất kì điều gì cả thì những văn bản luật pháp sẽ trở nên giá lạnh. Văn bản pháp luật chỉ là một tờ a4 nhưng khi nó đi vào đời sống, hiện thực hoá đời sống, nhân tính hoá đời sống thì văn bản vượt qua nhân ái và nhân nghĩa và tôi nghĩ bộ luật nào cũng phải tiến tới làm được điều đó cho dù họ phải làm điều gì chính xác và công bằng nhất. Luật sư là những người bảo vệ lẽ phải đúng nhất trong đời sống, còn văn chương thì bảo vệ lẽ phải bên trong tâm hồn mỗi con người ” – Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Nhà thơ Vũ Quần Phương lại dí dỏm, kể lại vở kịch “Vòng phấn Cô-ca-dơ” của nhà viết kịch tài danh Bertolt Brecht. Đại ý, chuyện kể rằng có hai người phụ nữ tranh nhau một bé trai, ai cũng nhận thằng bé làm con. Tranh luận mãi đưa lên vua phân xử, ông đặt thằng bé ở giữa và ra lệnh cho hai người phụ nữ tranh kéo đứa bé về phía mình, nói rằng người nào có thể kéo đứa bé khỏi vòng tròn sẽ được quyền có nó. Một người phụ nữ ra sức kéo trong khi một người lại buông tay thả đứa bé. Đức vua sau đó giao đứa bé cho người phụ nữ buông tay trước. Tại sao vậy, tại người phụ nữ ấy, sợ đứa bé bị đau. Vậy đích thị cô ấy là mẹ.
Nếu đúng luật, đức vua phải giao đứa bé cho người chiến thắng chứ? Vậy ý nghĩa ở đây là gì? “Cũng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều vừa nói, luật pháp phải hướng đến con người, hướng đến nhân văn”, nhà thơ Vũ Quần Phương suy ngẫm. Mà thơ ca chính là kết tinh của tâm hồn con người.
Chính vì vậy, mặc dù tác giả Đào Ngọc Lý hoạt động trong lĩnh vực pháp luật nhưng anh vẫn không ngừng say mê và luôn gắn bó với văn chương, đặc biệt là thơ ca. Tập thơ Diệu kỳ chỉ bao gồm 42 bài thơ nhưng đã đi qua khá nhiều cung bậc, chặng đường, đã khắc họa rõ nét rất nhiều dấu ấn năm tháng cuộc đời của tác giả. Mỗi bài thơ là một sắc màu, là sự kết tinh từ tâm hồn, tình cảm của một người đã sống nồng nhiệt, đã yêu chân thành và buồn vui trăn trở trong mỗi biến động của nhân gian, thời cuộc.
![]() |
Tác giả Đào Ngọc Lý đọc thơ |
“Quê hương tôi bên bờ sông đáy
Triên đê cao cỏ dại lạc nhau rồi
Bến đò vắng liên hồi con sóng vỗ
Ngỡ rất gần mà biền biệt xa xôi”
(Quê hương tôi)
Với tập thơ Diệu kỳ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “chúng ta thấy được tất cả trong 42 bài thơ của tác giả Đào Ngọc Lý. Đó là sự giản dị, chân thành, sự run rẩy, đó là những giấc mơ đẹp đẽ ông viết về quê hương về gia đình về người yêu về đồng nghiệp ông viết về những điều nhỏ bé khác nhưng trong những câu viết ấy là cảm xúc chờ đợi và lưu trữ tính triết lý lưu thông”.
Tác giả Đào Ngọc Lý đã có nhiều bài thơ in chung trong các tác phẩm như “Thơ lục bát Việt Nam” (NXB Văn học năm 2011); “Ngọn gió cánh đồng” (NXB Hội Nhà văn năm 2012); “Bạn thơ – CLB thơ luật sư Hà Nội” (NXB Giao thông vận tải năm 2012); “Những vần thơ giữa hai thế kỷ” (NXB Lao động năm 2012); “Mùa thu - CLB thơ luật sư Hà Nội” (NXB lao động năm 2013); “Luật và thơ - CLB thơ luật sư Hà Nội” (NXB Lao động năm 2014). Đến năm 2021, tập thơ “Diệu kỳ” của anh đã ra đời, đây là tuyển chọn một số bài thơ anh sáng tác từ năm 1979.
Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ sáng tác, Đào Ngọc Lý luôn để lại những dấu ấn, những phong cách diện mạo riêng với nhiều thể loại cũng như đề tài rất phong phú, đa dạng: từ thế sự, tự sự, tâm tình, suy nghiệm đến những trăn trở, khám phá khác nhưng xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm của anh là tình yêu chân thành, tha thiết đối với quê hương đất nước, con người và cuộc sống cũng như mảng thơ ngọt ngào về tình yêu đôi lứa.