Lộ sáng những “vướng mắc” cản trở THA đối với công ty Vĩnh Tường
(PLO) - Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai như ngồi trên đống lửa vì bản án đã có hiệu lực nhưng tài sản vẫn bị Công ty Vĩnh Tường chiếm giữ, không tự nguyện thi hành án khiến việc thu hồi 11 triệu USD vẫn như “chứng để đầu đẳng”.
Đây là một việc thi hành án lớn mà người được thi hành án trông đợi phía cơ quan thi hành án phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu hồi tài sản hàng trăm tỷ đồng sau khi Công ty Vĩnh Tường bội tín và tìm cách chiếm đoạt số tiền này bằng việc nại ra một hợp đồng hợp tác kinh doanh sòng bạc không có thật với Công ty Orient Industry Investment.
Về những vấn đề “mới” trong vụ việc thi hành án này, Tổng Cục thi hành án cũng đã có cuộc họp với Cục Thi hành án Đồng Nai để thống nhất hướng giải quyết. Nhưng, đây có phải là “vướng mắc” thực sự trong việc thi hành bản án khiến cho việc thi hành án phải mất nhiều thời gian, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng về vấn đề này.
- Đúng là trường hợp thi hành án giao tài sản trong vụ việc này có khác biệt với các trường hợp thi hành án giao tài sản khác vì tài sản này là cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ của người phải thi hành án. Do đó, việc giao tài sản cho người được thi hành án sẽ đặt ra vấn đề cần giải quyết là công văn việc làm cho người lao động làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ gắn liền với tài sản.
Đây là vấn đề mà pháp luật quy định rõ ràng, tôi cho rằng phía Cục Thi hành án Đồng Nai chỉ cần căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết mà không cần phải xin ý kiến nghiệp vụ dẫn đến chính việc xin ý kiến này lại làm tốn thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi hành bản án.
Đối với các hợp đồng cho thuê phòng hoặc diện tích kinh doanh ở khách sạn này mà Công ty Vĩnh Tường đã ký với các tổ chức, cá nhân khác thì phải được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật về dân sự và thương mại, các hợp đồng giữa Công ty Vĩnh Tường và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thuê phòng hoặc diện tích kinh doanh tại Wooshu Plaza đều phải chấm dứt tại thời điểm mà tài sản này thuộc về người khác, tức là ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực.
Đến thời điểm này, các hợp đồng đã ký, kể cả hợp đồng có hiệu lực hay bị vô hiệu thì cũng phải chấm dứt. Vì, hiện nay tài sản không thuộc sở hữu của Côngty Vĩnh Tường nữa nên việc thu lợi từ các hợp đồng này là bất hợp pháp.
Đối với căn cứ chấm dứt hợp đồng giữa Công ty Vĩnh Tường và các tổ chức, cá nhân khác thì phải căn cứ vào bản án phúc thẩm. Đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng đương nhiên do bên cho thuê tài sản không còn tài sản cho thuê theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo ông, để thực hiện bản án này một cách nghiêm túc, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện những biện pháp nào?
Theo tôi, cơ quan thi hành án cần phải thực hiện việc kê biên tài sản phải thi hành án ngay và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước buộc Công ty Vĩnh Tường chấm dứt hoạt động kinh doanh tại khách sạn Wooshu Plaza để đảm cho việc thi hành án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác thi hành án tỉnh Đồng Nai cần phải quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm việc này, tránh để tình trạng tìm lý do để kéo dài việc thi hành án.
Xin cảm ơn Luật sư!