Làm ruốc “cậu ông trời” (Kỳ 2)
Những người bán ruốc cóc luôn khẳng định họ có nhiều kinh nghiệm làm thịt cóc sạch để không dính độc tố. Nhưng theo Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), người dân tuyệt đối không nên ăn thịt cóc vì thịt cóc vừa độc, vừa đắt lại lắm ký sinh trùng!
[links()]Những người bán ruốc cóc luôn khẳng định họ có nhiều kinh nghiệm làm thịt cóc sạch để không dính độc tố. Nhưng theo Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), người dân tuyệt đối không nên ăn thịt cóc vì thịt cóc vừa độc, vừa đắt lại lắm ký sinh trùng.
Độc và nhiều giun sán, ký sinh trùng
Theo Bác sĩ Phạm Duệ, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khẳng định nọc cóc có nhiều chất độc. Các chất độc này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan cóc. Trong nọc cóc có chất bufagins (giống với chất độc có trong cây trúc đào và nếu được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng về liều lượng sẽ có tác dụng trong điều trị suy tim, nếu không sẽ thành chất độc); tetrodotoxin (có trong cả cá nóc và nếu trúng độc, sẽ bị co mạch, tăng huyết áp, làm cho tim đập nhanh hoặc chậm...).
![]() |
Bác sĩ - Tiến sĩ Phạm Duệ. |
Không chỉ chứa các chất độc, trên thân con cóc cũng chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng không có lợi cho cơ thể của con người. Cóc không phải là thực phẩm đã là thức ăn thì nguyên tắc đầu tiên là phải an toàn. Đó là chưa kể, cóc là loài vật có ích, ăn côn trùng, sâu bọ, nếu bắt làm thịt đại trà thì sẽ làm mất cân bằng sinh thái.
Vì vậy, nếu đã có điều kiện mua cá, thịt... thì không nên dùng thịt cóc. Những loại thực phẩm thông thường như gà, ếch hay tôm cua là những loại thực phẩm dễ kiếm, dễ mua, giá thành rẻ hơn rất nhiều với các sản phẩm từ cóc. Mặt khác các loại thực phẩm trên giá trị dinh dưỡng cao không kém cóc lại rất an toàn.
Bác sĩ Phạm Duệ kể cho chúng tôi về một vài trường hợp bị ngộ độc nhựa Cóc rất thương tâm: “Mấy năm trước, chúng tôi tiếp nhận một ca bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc. Theo gia đình bệnh nhân thì đã rất nhiều lần họ ăn thịt cóc mà không bị làm sao. Lần này, cả nhà cùng ăn ông chủ nhà cho đứa cháu đích tôn mấy miếng.
Người lớn vẫn không sao nhưng đứa nhỏ ăn vào đã bị ngộ độc rồi tử vong. May mắn hơn, ở trường hợp khác có hai đứa trẻ là anh em ruột cùng ăn gan cóc do bố chúng làm. Hai cháu nhỏ ấy bị ngộ độc nhưng đã được chúng tôi cứu thoát. Theo lời hai bệnh nhi ấy, chúng đã từng ăn nhiều lần rồi nhưng đến lần ấy mới bị ngộ độc”.
Việc ăn thịt cóc, trứng cóc mà có người ngộ độc, có người không, có người ăn lần này an toàn, lần khác lại ngã bệnh được Bác sĩ Duệ lý giải: “Những lần ăn không bị ngộ độc là do những phần thịt cóc và gan cóc không chứa độc tố. Nhưng nếu quá trình làm thịt cóc bất cẩn, chỉ cần để một giọt nhựa cóc dính vào thì nguy hiểm cho tính mạng con người vì độc tố trong nhựa cóc không bị nhiệt phân hủy trong điều kiện nấu nướng nên sẽ gây ngộ độc”.
Làm gì khi thấy người bị ngộ độc thịt cóc?Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, khi gặp phải người bị ngộ độc do ăn phải nhựa cóc, chúng ta phải sơ cứu bằng cách móc họng cho bệnh nhân đó nôn hết ra rồi đưa ngay nạn nhân tới bệnh viện để cứu chữa kịp thời. |
Cũng theo Bác sĩ Duệ, các triệu chứng ngộ độc nhựa cóc thường thấy là nôn mửa, suy hô hấp, co giật động kinh, tiết nước bọt nhiều, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và có thể dẫn đến hôn mê. Các nghiên cứu cho thấy, trong nhựa cóc còn có chất “Digoxin like” là độc tố tác động lên cơ tim làm giảm nhịp tim (tác dụng lên hệ tuần hoàn tương tự như tác dụng của thuốc trợ tim Digoxin).
“Tuyệt đối không nên ăn thịt cóc”
Cũng như đồn đại trong dân gian, một số chuyên gia về dinh dưỡng thực phẩm đồng ý rằng thịt cóc giàu đạm, can xi và một số vi chất. Tuy vậy, các chuyên gia này lại khẳng định nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng này cũng chỉ tương đương với thịt gà, thịt bò hay tôm cua chứ không có gì nổi bật. Cụ thể, thịt cóc có lượng đạm tương đương với thịt ếch, thịt gà. Nó cũng chứa nguyên tố Kẽm (Zn) nhưng thua các loại hải sản, có nguyên tố Sắt (Fe) nhưng không bằng gan lợn. Trong khi đó, người ăn thịt cóc có nguy cơ tử vong rất cao.
Do thịt cóc cũng có những giá trị dinh dưỡng nhất định như trên nên ngược về những ngày xa xưa, khi đời sống người nông dân còn quá kham khổ thì việc bắt thịt cóc là một cách để đảm bảo dinh dưỡng.
Ngày nay, khi đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện, những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt cóc hoặc hơn thịt cóc như gà, ếch, tôm cua hay trứng gia cầm là những loại thực phẩm dễ kiếm, dễ mua, giá thành rẻ hơn rất nhiều với các sản phẩm từ cóc mà lại rất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dùng. “Vì thế, người dân nên tránh xa các thực phẩm chế biến từ thịt cóc, tuyệt đối không nên ăn thịt cóc!” - Bác sĩ Duệ nói./.
Thiên Minh