Kỳ cuối: Con đường hoàn lương của những đứa trẻ “hư”
(PLO) -Cứ ngỡ những đứa trẻ phải đi học trường Giáo dưỡng là người ngang tang, bất hảo, “không biết trời đất là gì”. Nhưng không, đó lại là những đứa trẻ mong manh, dễ bị tổn thương. Và con đường hoàn lương của em cần lắm những bàn tay yêu thương…
Từ ngày vào trường giáo dưỡng, Hương đã nhận thức được nhiều điều. Hương bảo với chúng tôi “em với con người của ngày xưa khác nhau hoàn toàn”. Giờ Hương chỉ mong bố mẹ mình hiều mình hơn, để cô bé được trở lại làm người có ích cho xã hội. Tháng 8 này Hương mới tròn 17 tuổi nhưng cô bé đã biết trân trọng, nâng niu và giữ gìn những món quà nhỏ xuất phát từ tấm lòng của cha mẹ: “Gia đình em không có điều kiện lên thăm, mỗi tháng bố hoặc mẹ gọi điện lên hỏi thăm một lần nhưng mỗi lần được nghe giọng nói của cha mẹ em vui lắm. Càng vui hơn khi nhận đươc bưu phẩm cha mẹ gửi là những hộp bánh, cái kẹo hay bộ quần áo mới. Em luôn giữ gìn chúng cẩn thận. Em tự nhủ mình phải cố gắng học tập, tu dưỡng rèn luyện để sớm được về với cha mẹ”.
Lỗi chủ yếu do cha mẹ
Thực tế cho thấy, việc cha mẹ mải mê với cuộc sống mưu mà “quên” mất trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ và quản lý con cái khiến chúng vướng vào vòng lao lý là chủ yếu. Hơn 7 năm tiếp xúc với “những đứa trẻ hư”, cô Nguyễn Kim Oanh đã rút ra nhận xét: “Trẻ em, nhất là trẻ em học trường giáo dưỡng như những bình thủy tinh mong manh, chỉ cần người lớn chạm nhẹ vào điểm yếu, lập tức chúng đổ vỡ”. Theo đó, bố mẹ phải quan tâm đặc biệt đến con cái, đừng vì mưu sinh quá mà quên mất những đứa con đang cần sự bảo ban, dạy dỗ của con cái. Trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ phải biến đổi theo hoàn cảnh: lúc nhẹ nhàng, lúc cứng rắn. Đặc biệt là vai trò của người mẹ trong gia đình. Người mẹ không chỉ là người giữ lửa ấm cho gia đình mà còn phải là người bạn của con.
Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ có xu hướng khẳng định cái tôi, khẳng định mình đã lớn để rồi có những hành động khác thường, đây chính là khi trẻ cần đến bàn tay thương yêu, chăm sóc của cha mẹ nhất. Thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những người làm cha, làm mẹ buông lỏng quản lý con, để mặc con tự trưởng thành. Và khi con mắc lỗi, cha, mẹ chỉ biết chửi mắng, đánh đập con theo kiểu áp bức “nghe thì sống, chống thì ăn đòn”. Đây là một sai lầm. Với cách giáo dục, dạy bảo kiểu ấy, kết quả họ thu được chắc chắn là những đứa con ngang bướng, ngỗ ngược ở nhà ngoan, ra đường là “anh, chị”. Bởi cha mẹ càng ngăn cấm, các con càng tò mò, lấn tới. Do đó hãy cởi mở, chia sẻ, động viên, tâm sự với con cái như những người bạn. Chỉ có yêu thương mới đổi được yêu thương.
Bên lề diễn đàn, thầy Lê Kim Thanh, Hiệu phó trường giáo dưỡng số 2 còn cho biết: Ngoài lỗi do cha mẹ, trẻ em hư còn do phía thầy cô, nhà trường. Thay vì chỉ dạy kiến thức, cần dạy các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Thông qua những kỹ năng ấy, trẻ có thể nhận thức được bản chất sự việc một cách tốt nhất, tránh được những lỗi lầm đáng tiếc./.