Khói thuốc lá - 'mối nguy' âm thầm ngay trong gia đình và nơi làm việc
(PLVN) - Luật đã quy định rõ quyền được sống trong môi trường không khói thuốc, nhưng nhiều người vẫn đang bị “ép hít” mỗi ngày.
Khói thuốc thụ động sinh ra từ người đang hút hoặc từ đầu điếu thuốc đang cháy. Theo cảnh báo từ các tổ chức y tế, khói này chứa khoảng 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có đến 69 chất được xác định gây ung thư. Điều đáng lo ngại là mức độ nguy hiểm mà người hút thuốc thụ động phải chịu gần tương đương với người hút thuốc chủ động, đặc biệt nếu tiếp xúc kéo dài mỗi ngày trong không gian kín như nhà ở hoặc văn phòng.
Thực tế cho thấy, nhiều người đang phải hít khói thuốc thụ động ngay tại nơi họ sống và làm việc. Những địa điểm phổ biến nhất bao gồm nhà riêng, nơi làm việc và các địa điểm công cộng. Đây cũng chính là những môi trường có nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như tim mạch, ung thư phổi hoặc các vấn đề về hô hấp, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi.
Nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ trên, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đưa ra những quy định rất rõ ràng.
Cụ thể, Điều 7 của luật quy định người dân có quyền được sống và làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Người dân cũng có quyền yêu cầu người hút thuốc không hút tại nơi cấm, vận động người khác không sử dụng thuốc lá, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi hút thuốc không đúng quy định, và có quyền phản ánh hoặc tố cáo nếu người có thẩm quyền không xử lý các vi phạm này.
Điều 13 của luật cũng xác định nghĩa vụ cụ thể của người hút thuốc. Theo đó, người hút thuốc không được hút tại những nơi có quy định cấm hút thuốc; không được hút thuốc trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh hoặc người cao tuổi; đồng thời phải giữ vệ sinh chung, bỏ tàn và mẩu thuốc đúng nơi quy định.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã ban hành nội quy nội bộ cấm hút thuốc tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Không ít người vẫn e ngại hoặc ngần ngại khi nhắc nhở người khác hút thuốc nơi cấm, trong khi việc xử phạt hành chính ở nhiều nơi còn chưa được triển khai mạnh mẽ. Những khoảng trống đó đang khiến không ít người dù không hút thuốc vẫn hít phải khói độc mỗi ngày, âm thầm đối mặt với các nguy cơ bệnh tật lâu dài.
Khói thuốc lá thụ động không phải là lựa chọn của người bị ảnh hưởng, nhưng lại là hậu quả mà họ phải gánh chịu. Trong bối cảnh thuốc lá vẫn là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 100.000 người mỗi năm tại Việt Nam, việc thực thi triệt để các quy định pháp luật hiện hành không chỉ là yêu cầu của hệ thống pháp luật, mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng ngay từ trong gia đình, lớp học và nơi làm việc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 18.800 người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, trong tổng số hơn 104.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá. Trẻ em là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
WHO thông tin, ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, có tới 60-80% trẻ em dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm khói thuốc lá, trong đó vùng Đông Nam Bộ tỷ lệ này lên tới 80%. Khói thuốc khiến các em có nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi, hen suyễn, viêm tai giữa, và thậm chí đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc cũng đối mặt với nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc con nhẹ cân. Những con số này không chỉ cho thấy mức độ nguy hiểm của khói thuốc thụ động, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống không khói thuốc cho cộng đồng đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.