Hải Phòng: Băn khoăn từ một văn bản trả lời của quận Hải An

(PLM) - Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Tuấn Anh, trú tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng phản ánh về việc đầm nuôi hải sản của ông bị một nhóm người được cho là thuộc Công ty TNHH MTV 17 tự ý phá hoại, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản đang nuôi nhốt tại đầm, mới đây UBND quận Hải An đã có thông tin phản hồi về vụ việc.

Cách bàn giao mặt bằng giống kiểu “trên giấy”

Theo nội dung công văn, về nguồn gốc khu đất, quá trình sử dụng đất, UBND quận Hải An cho biết căn cứ tờ bản đồ giải thừa, tờ số 46A, tỷ lệ 1/5000 đo vẽ năm 1995 do UBND phường Tràng Cát quản lý, tại khu vực thi công Dự án đầu tư tuyến đê biển Nam Đình Vũ do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thi công thể hiện là mặt nước biển.

Căn cứ bản trích đo địa chính tỷ lệ 1/5000 do Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Hải Phòng đo vẽ, được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định ngày 24/01/2011, đơn vị sử dụng đất là Công ty Cổ phần Công nghiệp Hải phòng, mục đích sử dụng đất là xây dựng khu Công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 2), đo đạc năm 2011, khi đo đạc lập bản đồ khu vực nêu trên thể hiện là mặt nước biển.

Khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cũng không phát sinh vấn đề khiếu kiện, UBND quận thực hiện thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, mặt bằng sạch UBND quận đã báo cáo thành phố bàn giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải phòng (Quyết định số 3833/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 của UBND thành phố). Sau đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải phòng thực hiện các bước giao cho Công ty TNHH MTV 17 thực hiện thi công xây dựng tuyến đê biển Nam Định Vū.

Như vậy có thể thấy, các căn cứ được nêu ra là chiếu theo bản đồ địa chính từ năm 1995, bản trích đo địa chính 1/5000 từ 2011 thể hiện là mặt nước biển. Rồi cứ thế đến năm 2022, UBND quận Hải An cho biết đã bàn giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải phòng để thực hiện dự án.

Việc bàn giao theo như UBND quận Hải An cho biết khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cũng không phát sinh vấn đề khiếu kiện, UBND quận thực hiện thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Bờ đầm đang nuôi trồng thủy sản bị đơn vị thi công tự ý phá để lắp đường ống bơm cát.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết nếu là mặt bằng sạch và bàn giao theo đúng quy định của pháp luật thì tại sao ông không hề được biết, bởi ông đã nuôi trồng hải sản từ những năm 2009. Ông cũng xác nhận, do thời điểm đó, không hiểu biết về quy trình và quy định để xin nuôi trồng nên việc ông làm đầm không phép là đúng, tuy nhiên việc cưỡng chế thì không phải thẩm quyền của Công ty TNHH MTV 17 – Bộ Quốc phòng.

“Tôi nuôi trồng từ năm 2009, đến năm 2020 tôi còn thuê đo vẽ vị trí để xác định ranh giới đầm. Kể cả khi định vị trên bản đồ cũng thấy bãi đầm của tôi”. Ông Tuấn Anh nói thêm.

Để xác minh rõ vụ việc, tại Công văn số 177/CV-BPLVN-BĐ ngày 25/02/2025 của Báo Pháp luật Việt Nam gửi UBND quận Hải An cũng có đề nghị cung cấp văn bản bàn giao mặt bằng sạch để thực hiện dự án, tuy nhiên có lẽ phía UBND quận Hải An đã “quên mất” nội dung này.

Các căn cứ của UBND quận không sai, tuy nhiên trong nhiều năm, việc người dân hoang hóa, gia tăng sản xuất tại mặt nước cũng là điều không thể tránh khỏi. Chính vì điều này, việc quản lý và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm là rất quan trọng, ngoài các căn cứ trên giấy, việc giám sát, kiểm tra thực địa thường xuyên sẽ tránh được những thiệt hại nặng nề cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Sơ đồ vị trí hiện trạng khu đất được người dân đo vẽ từ năm 2020.

“Hỏi một đằng, trả lời một nẻo”?

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV 17 thì từ ngày 20/6/2024 đến ngày 01/7/2024, Công ty triển khai thi công bơm bao Geotube đoạn K13+540 đến K15+022 theo kế hoạch. Ngày 22/6/2024, công nhân bơm bao Geotube đi chợ mua thực phẩm bị hai đối tượng đi xe máy chặn xe và yêu cầu Công ty, công nhân không được bơm bao cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn nữa.

Phản bác nội dung trên, ông Tuấn Anh cho biết, vào ngày 28/6/2024, phía Công ty TNHH MTV 17 đã cho thiết bị vào phá bờ đầm của ông mà không hề có thông báo trước. “Nếu như tôi cản trở, hay chống đối thì tôi đã không bị thiệt hại nặng nề như bây giờ” – Ông Tuấn Anh nói thêm.

Đến ngày 14/7/2024, UBND quận nhận được Công văn số 525/BQLDA-DA ngày 8/7/2024 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp và Công văn số 536/CV-CT ngày 03/7/2024 của Công ty TNHH MTV 17 về việc một số hộ dân cản trở thi công Dự án đầu tư tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.

Sau đó, UBND quận lập tức chỉ đạo Đồn Biên phòng Tràng Cát, Công an quận, các phòng chức năng của quận có liên quan, UBND phường Tràng Cát, Nam Hải phối hợp với Ban Quản lý dự án và Công ty kiểm tra, xác minh, làm rõ.

Cũng theo UBND quận Hải An, đến nay, Đồn Biên phòng Tràng Cát, Công An quận, UBND phường Tràng Cát đã mời làm việc với những người trên, yêu cầu xuất trình giấy tờ hợp pháp nhưng họ không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp về việc sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản như phản ánh của các hộ dân. Theo báo cáo của Đồn Biên phòng Tràng Cát, UBND phường Tràng Cát, hiện nay Công ty TNHH MTV 17 đang tiếp tục bơm bao Geotube tầng 2, tổ chức thi công theo kế hoạch và không bị người dân nào cản trở.

“Đã là công trình của thành phố, tôi luôn ủng hộ và chấp hành, không cản trở như phía Công ty TNHH MTV 17 nói. Chúng tôi dù có nuôi trồng trái phép đi nữa, thì việc xử lý vi phạm và cưỡng chế là của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải của doanh nghiệp. Hiện nay tôi đã chấp hành mọi yêu cầu của chính quyền địa phương và tôi chỉ tố cáo hành vi hủy hoại tài sản của Công ty TNHH MTV 17.” – Ông Tuấn Anh chia sẻ.

Tại Công văn số 177/CV-BPLVN-BĐ ngày 25/02/2025 của Báo Pháp luật Việt Nam gửi UBND quận Hải An cũng chỉ đặt ra những câu hỏi liên quan đến việc tự ý hủy hoại của Công ty TNHH MTV 17, thế nhưng trong văn bản trả lời của UBND quận Hải An không hề có bất cứ nội dung nào liên quan đến những câu hỏi đã nêu.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

Tuấn Anh