Hà Nội: Đổi mới tư duy trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP

(PLVN) - Sáng 16/6, tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trình bày báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương trong thời gian gần đây, việc sắp xếp tổ chức bộ máy…, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội rất chú trọng đổi mới tư duy trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP, nhất là xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị.

Dự kiến hoàn thành 100% Đại hội Đảng cấp cơ sở trước thời hạn

Báo cáo tại cuộc làm việc, bà Bùi Thị Minh Hoài cho biết, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 258-KH/TU ngày 15/7/2024 và Kế hoạch số 329-KH/TU ngày 15/5/2025 về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Về công tác xây dựng văn kiện, Thành ủy Hà Nội rất chú trọng đổi mới tư duy trong xây dựng văn kiện Đại hội, nhất là xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới); các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và học tập cách thức xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII được xây dựng theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ 3 đã rút gọn từ 75 xuống còn 40 trang; nội dung đi thẳng vào quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã 3 lần cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo này. Ban Thường vụ tiếp tục tiếp thu hoàn thiện dự thảo và đến ngày 1/7/2025 sẽ gửi 126 đảng bộ xã, phường mới thành lập thảo luận, làm cơ sở để xây dựng văn kiện Đại hội xã, phường mới.

Về công tác nhân sự cấp ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, xác định công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng phương hướng nhân sự nhiệm kỳ XVIII của TP. Thực hiện rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ diện cấp ủy quản lý và quy hoạch cán bộ phục vụ cho công tác nhân sự Đại hội.

Đến nay, toàn Đảng bộ TP có 155/186 đảng bộ bộ phận và 16.703/16.765 chi bộ tổ chức Đại hội (đạt tỷ lệ 99,63%). Đại hội cấp cơ sở, đến thời điểm hiện nay số tổ chức cơ sở Đảng tổ chức Đại hội đạt khoảng 89% và dự kiến hoàn thành 100% trước thời hạn 30/6/2025.

Về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, Ban Thường vụ Thành uỷ đã thành lập các Ban Chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức sở, ban, ngành TP và các đơn vị hành chính cấp xã với phương châm chỉ đạo “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” và ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU của Thành ủy về bố trí cán bộ theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không tổ chức cấp huyện.

Sau sắp xếp, ở cấp TP giảm 1 ban Đảng, 11 Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn; kết thúc hoạt động, giải thể 3 và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc; giảm 6 sở, 1 cơ quan tương đương sở, 1 đơn vị sự nghiệp; 4 chi cục và 49 phòng thuộc sở.

TP đã sắp xếp 526 đơn vị hành chính cấp xã còn 126 xã, phường mới, đảm bảo sau sắp xếp chính quyền sẽ gần dân, sát dân, kịp thời phục vụ Nhân dân, tạo không gian phát triển mới, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô và từng địa phương.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tính đến 15/5, toàn bộ 30/30 quận huyện đã hoàn thành đề án tổ chức bộ máy Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trình Ban Thường vụ và đã được các cơ quan chức năng của TP cơ bản thẩm định xong. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét, thông qua, chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đảng bộ xã, phường mới.

Đồng thời, phân công lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của xã, phường mới đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đội ngũ cán bộ của 126 xã, phường được lựa chọn theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, lấy cán bộ cấp huyện làm nòng cốt và bổ sung cán bộ có năng lực từ các sở, ban, ngành, đoàn thể của TP về công tác tại cơ sở.

Ban Chấp hành Đảng bộ đã thông qua Đề án giải thể đảng bộ quận, huyện, thị xã và Đề án thành lập đảng bộ các xã, phường mới để bắt đầu từ 1/7/2025, bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể sẽ đi vào hoạt động.

Các đại biểu tại cuộc làm việc.

Ban Thường vụ Thành uỷ đã ban hành Kế hoạch vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 20 - 26/6/2025 và họp rút kinh nghiệm vào ngày 27/6/2025 để từ ngày 1/7/2025 chính thức đi vào hoạt động sau khi đồng loạt tổ chức công bố quyết định thành lập 126 xã, phường vào ngày 30/6/2025.

Bảo đảm điều kiện để 126 xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt từ ngày 1/7

Về phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, kinh tế của TP tăng trưởng tích cực, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng GRDP 6 tháng ước đạt 7,59% và vượt kịch bản đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến ngày 11/6/2025 là 369.242 tỷ đồng (đạt 73,1% dự toán năm 2025). Kim ngạch xuất khẩu đạt 10,1 tỷ USD (tăng 13,8%), nhập khẩu đạt 22 tỷ USD (tăng 12,6%). FDI thu hút 2,9 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Vốn đầu tư xã hội tăng 11,64%.

Văn hóa, giáo dục tiếp tục được quan tâm. An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi được nâng cao; chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả. Duy trì, thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Nêu rõ 7 nội dung phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP đã đề ra.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, hiệu quả theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; trước mắt, thực hiện việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 20 đến 26/6/2025; hoàn thành công tác bố trí cán bộ trước ngày 20/6/2025 để sớm ổn định và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc để 126 xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt ngay từ ngày 1/7/2025.

TP sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hai con số ở những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh 3 chuyển đổi “xanh, số, kinh tế tuần hoàn” với 3 trụ cột chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt và kinh tế số là động lực chính cho tăng trưởng hai con số và phát triển bền vững, xây dựng TP thông minh, người dân hạnh phúc.

Để tạo điều kiện cho TP phát triển hơn trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, trong quá trình xây dựng luật, nghị quyết có liên quan đến các lĩnh vực phát triển đô thị, tổ chức chính quyền, đầu tư công, quy hoạch, phát triển TP hai bên bờ sông Hồng… các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ, tích hợp các nội dung thuận lợi, vượt trội của Luật Thủ đô vào các luật chuyên ngành nếu cùng điều chỉnh một vấn đề, để đảm bảo hiệu lực và tính thực thi cao của Luật Thủ đô. Đối với những nội dung mới của các luật khác mà thuận lợi hơn thì quy định cho Thủ đô được quyền lựa chọn áp dụng theo quy định mới.

Cho biết trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất các cơ quan Trung ương quan tâm giao TP thí điểm, phân cấp uỷ quyền và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các bộ ngành sớm nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức hoặc đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền cho các địa phương đủ năng lực tiên phong thí điểm. Sớm hướng dẫn điều chỉnh định mức phân bổ ngân sách, định mức chi thường xuyên và đầu tư công cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị hai cấp của Hà Nội và yêu cầu quản lý đô thị đặc biệt.

Hoàng Nam