Dự thảo Nghị định về EPR: Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
(PLVN) - Ngày 30/6, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường – NN&MT) phối hợp với Báo NN&MT tổ chức Hội thảo “Phổ biến và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR” nhằm phổ biến, cập nhật các quy định về EPR; tạo cơ hội thảo luận giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả EPR trong bối cảnh Nghị định mới về EPR sắp ban hành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường Lý Thị Hồng Điệp cho biết, EPR đã được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, EPR chính thức được đưa vào hệ thống pháp luật thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 54 và Điều 55).
Sau đó, quy định này được hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Và tiếp tục được làm rõ hơn tại Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, ngày 06/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung phát biểu tại hội thảo (Ảnh: H.G) |
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong đời sống, sản xuất và tiêu dùng, cần thiết phải ban hành một nghị định riêng, nhằm tăng cường tính minh bạch và thống nhất trong quản lý. Nghị định này sẽ giúp tập trung, hệ thống hóa các quy định hiện hành, tránh chồng chéo, mâu thuẫn; đồng thời cụ thể hóa các quy trình như đăng ký, báo cáo, ủy quyền, thanh tra.
Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, khuyến khích tái chế, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường; linh hoạt hóa mô hình thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), xây dựng cơ chế giải ngân rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng “xin – cho”; tăng cường giám sát thông qua hệ thống EPR quốc gia được số hóa. Nghị định cần đảm bảo tính tương thích với thông lệ quốc tế, góp phần gỡ bỏ các rào cản thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút dòng vốn FDI xanh. Đồng thời, phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp tỉnh đến các tổ chức trung gian tái chế (PRO) và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết về EPR để hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Đồng tình với ý kiến của đại diện Báo NN&MT, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, EPR là một công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng. Việt Nam đã tiếp cận chính sách EPR từ rất sớm, từ năm 2005 với quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Đến Luật bảo vệ môi trường năm 2020 là bước ngoặt quan trọng với việc quy định rõ hơn về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ NN&MT đã nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện quy định, đưa chính sách EPR vào thực tiễn.
Tuy nhiên, EPR là một chính sách mới, một số quy định vẫn cần được tháo gỡ, làm rõ. Để khắc phục các bất cập hiện hữu, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động đề xuất xây dựng một Nghị định riêng quy định chi tiết về EPR.
Nghị định này không chỉ cụ thể hóa cơ chế thực hiện chính sách EPR mà còn làm rõ các quy định về cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải, tạo hành lang pháp lý minh bạch, khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý môi trường trong giai đoạn mới. Hiện, Dự thảo Nghị định đang được Bộ đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường) đã giới thiệu tổng quan về quy định EPR hiện hành và Dự thảo Nghị định mới về EPR 2025.
Phó Trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường) Nguyễn Thành Yên giới thiệu về quy định EPR hiện hành và Dự thảo Nghị định mới về EPR 2025. |
Theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Chính sách EPR bao gồm trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54); và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55). Các Văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường bao gồm Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 05/2025/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNTM, Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT đã quy định rõ các nội dung liên quan đến chính sách EPR bao gồm: đối tượng, lộ trình, hình thức, trình tự thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải và các nội dung về tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc…
Đối với Dự thảo Nghị định mới về EPR 2025, cơ bản tiếp thu các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 05/2025/NĐ-CP kết hợp với bổ sung, làm rõ một số quy định trên cơ sở thực tế triển khai thực hiện; đồng thời quy định chi tiết nội dung về cơ chế hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải từ tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe, trao đổi thẳng thắn và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định EPR.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Hồ Kiên Trung khẳng định, Bộ NN&MT cam kết sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc các ý kiến góp ý từ Quý cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện khung pháp lý về EPR, với mục tiêu phát triển đồng bộ chính sách, thúc đẩy thực thi hiệu quả chính sách EPR và đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.