Định hướng phát triển bền vững cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(PLVN) - Ngày18/7, tại Hậu Giang, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững ĐBSCL”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nội dung về chính sách quản lý rủi ro thiên tai, xác định và thảo luận về các công cụ và phương pháp thực tiễn để tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển, thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị bằng cách tăng cường khả năng chống chịu; điều chỉnh các định hướng chính của cách tiếp cận khả năng chống chịu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đối với phát triển đô thị vùng ĐBSCL, cần đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị.
![]() |
ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Toàn bộ 13 tỉnh, TP tại ĐBSCL đều có nguy cơ bị ngập. Trong đó, một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như: TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (Kiên Giang), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42-48%; định hướng phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nên khả năng chống chịu và phải thích ứng biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị...