Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác minh dấu hiệu hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án Trần Đình Quân và đồng phạm

Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác minh dấu hiệu hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án Trần Đình Quân và đồng phạm
Thương binh Trần Văn Bình (là bố đẻ của bị can Trần Đình Quân) lên UBND xã để xin giấy tờ vào thăm con trai đang bị bắt tạm giam.

(PLM) - Phúc đáp công văn số 514/CV-PLVN-BĐ ngày 21/04/2025 của Báo Pháp luật Việt Nam về việc đề nghị phản hồi thông tin liên quan đến đơn của ông Trần Văn Bình, là bố đẻ của bị can Trần Đình Quân, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam về các tội “cưỡng đoạt tài sản”; “giữ người trái pháp luật” và “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết: “đã chuyển đơn và các tài liệu có liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng để thực hiện chức năng kiểm soát theo thẩm quyền”.

Liên quan đến những tài liệu mà Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Quân cho biết khi muốn tiếp cận những tài liệu này thì Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng lại trả lời là “không được biết và không có thẩm quyền cung cấp”. Vậy những “tài liệu có liên quan” này là những tài liệu gì mà hiện nay các luật sư chưa thể tiếp cận?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp để làm rõ hành vi “xâm phạm hoạt động tư pháp” của các cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra vụ án Trần Đình Quân

Trong văn bản đính kèm văn bản phúc đáp công văn của Báo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã gửi kèm Văn bản số 3096/VKSTC-C1(P4) ngày 23/10/2024 mà cơ quan này gửi đến Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng. Cơ quan này cho biết: trong quá trình điều tra vụ án hình sự “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an thành phố Đà Nẵng, có thấy liên quan đến quá trình điều tra vụ án hình sự “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Giữ người trái pháp luật” do Trần Đình Quân và đồng bọn thực hiện.

Nội dung văn bản có đề cập đến việc Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tiếp nhận được đơn của Nguyễn Như Quân và Hồ Ái Phượng (được cho là bị hại trong vụ án của Trần Đình Quân) trình báo với nội dung bị Điều tra viên Công an thành phố Đà Nẵng ép cung và bức cung, cụ thể như sau:

Trích dẫn văn bản 3096 “Khoảng 16h00 ngày 18/01/2024, Nguyễn Như Quân bị Công an TP Đà Nẵng đưa về trụ sở Công an TP, đến khoảng 18h00 cùng ngày thì Công an TP tiếp tục đưa Hồ Ái Phượng về trụ sở công an làm việc, sau đó Như Quân và Ái Phượng chứng kiến nhóm Trần Đình Quân, Trương Việt Hoàng, Vương Quang Hiệp đã bị bắt giữ tại trụ sở. Điều tra viên hù dọa, ép buộc Như Quân, Ái Phượng phải khai nhận nhóm của Đình Quân cưỡng đoạt tài sản thì mới xem xét tha cho tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và cho về. Tuy nhiên khoảng 02 tháng sau thì Điều tra viên tiếp tục triệu tập và ép buộc Như Quân và Ái Phượng phải thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hù dọa nếu không hợp tác thì sẽ khởi tố, bắt giam.

Do vậy, Như Quân và Ái Phượng cho rằng lời khai tại Công an thành phố Đà Nẵng là bị ép buộc, không khách quan và không đúng sự thật. Ngoài ra còn trình bày đã bị Điều tra viên ép buộc viết đơn tố cáo và ký vào biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm để tố cáo Trần Đình Quân nhưng Như Quân không đồng ý; tuy nhiên đến tháng 3/2024, do bị hù dọa sẽ bị khởi tố bắt giam nên Như Quân đã đồng ý ký”. – hết đoạn trích dẫn.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng đã tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu theo nội dung trình báo của Như Quân, Ái Phượng nhưng tại thời điểm xác minh do vụ án Trần Đình Quân và đồng bọn đang trong quá trình điều tra, để đảm bảo khách quan, toàn diện việc giải quyết vụ án, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tiến hành sao gửi các tài liệu có liên quan đến nội dung trình báo của Như Quân, Ái Phượng đến VKSND thành phố Đà Nẵng để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định, đồng thời phối hợp với Cơ quan điều tra VKSND tối cao để làm rõ hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của các cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra.

Văn bản số 3096/VKSTC-C1(P4) ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao gửi Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng.

Những dấu hiệu, hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp qua xác minh ban đầu của cơ quan điều tra, VKSND tối cao

Trong vụ án Trần Đình Quân và đồng bọn bị truy tố về các tội “Cưỡng đoạt tài sản”; “Giữ người trái pháp luật” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cơ quan điều tra, VKSND tối cao qua xác minh sơ bộ ban đầu nhận thấy:

Thứ nhất là: Trần Đình Quân, Trương Việt Hoàng, Vương Quang Hiệp bị cơ quan điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng bắt giữ ngày 18/01/2024 nhưng hồ sơ thể hiện Lệnh và Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 19/01/2024. Về nội dung này, phóng viên Báo cũng tiến hành thu thập thông tin, nhiều nhân chứng có mặt tại lúc Trần Đình Quân bị bắt cũng cho biết Quân bị lực lượng công an bắt và khám xét chỗ ở vào chiều ngày 18/01/2024. Như vậy, nếu việc bắt người không trùng khớp với Lệnh bắt thì có được coi là “bắt giữ người trái pháp luật” hay không?

Thứ hai là: Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng cho biết “Qua kiểm tra hồ sơ kiểm sát do VKSND thành phố Đà Nẵng cung cấp có thể hiện: Nguyễn Như Quân có đơn trình bày tố cáo Trần Đình Quân đề ngày 18/12/2023, Biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đề ngày 18/01/2024 lúc 13h30, Biên bản ghi lời khai Nguyễn Như Quân được thực hiện vào lúc 09h00, 14h00 ngày 18/01/2024 (trong khi khoảng 16h00 thì Như Quân mới bị Công an đưa về trụ sở Cơ quan Công an và tối ngày 18/01/2024 mới ghi lời khai của Như Quân)”; cùng với thông tin Như Quân khai báo mình bị Điều tra viên tên Vinh liên tục hù dọa, ép viết đơn tố cáo Trần Đình Quân, nếu không sẽ bị khởi tố, cho thấy trong vụ án này có nhiều dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp cần được làm rõ trong giai đoạn điều tra.

Tuy nhiên cho đến hiện tại, những tài liệu mà Cơ quan điều tra VKSND tối cao gửi đến VKSND thành phố Đà Nẵng lại không được nhập vào hồ sơ vụ án Trần Đình Quân mà không biết lý do vì sao? Đặc biệt, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Quân cho biết, khi tiếp cận hồ sơ vụ án, rà soát toàn bộ hồ sơ thì không hề có bản cung được lập lúc 09h00 ngày 18/01/2024 như cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thông tin.

Luật sư bào chữa liên tục kiến nghị nhưng cũng không được tiếp cận những tài liệu do Cơ quan VKSND tối cao gửi đến VKSND TP Đà Nẵng?

Trong rất nhiều Đơn kiến nghị mà Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng gửi đến Cơ quan CSĐT, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Quân cũng liên tục đưa ra đề nghị “Đưa toàn bộ các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thu thập được và chuyển đến VKSND thành phố Đà Nẵng vào hồ sơ vụ án để xem xét, giải quyết theo quy định nhằm đảm bảo khách quan, đúng pháp luật; đồng thời tạo điều kiện cho người bào chữa sao chụp các tài liệu, chứng cứ này…”.

Tuy nhiên, theo luật sư, để phản hồi lại kiến nghị nêu trên của Công ty TNHH Luật Chìa Khóa Vàng thì VKSND thành phố Đà Nẵng lại luôn có các nội dung trả lời “né tránh”. Cụ thể như tại Văn bản số 182/VKS-P2 ngày 28/02/2025, VKSND thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Đối với tài liệu do cơ quan điều tra VKS tối cao thu thập, để giải quyết vụ việc thì VKSND thành phố Đà Nẵng không được biết”. Trong khi đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã gửi Văn bản số 3096/VKSTC-C1 (P4) từ ngày 23/10/2024, trong văn bản này còn kèm theo cả tài liệu được thống kê và được lập biên bản bàn giao riêng. Vậy tại sao VKSND thành phố Đà Nẵng lại trả lời là “không được biết” đến những tài liệu này?

Hơn thế, VKSND thành phố Đà Nẵng còn không nhất quán đối với việc trả lời Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng trong việc trả lời khi được hỏi về các tài liệu liên quan do Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyển đến VKSND thành phố Đà Nẵng. Cụ thể tại Văn bản số 251/VKD-P2 ngày 20/3/2025, VKSND Thành phố Đà Nẵng trả lời “các tài liệu do Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyển đến VKSND thành phố Đà Nẵng để báo cáo những nội dung mà Cơ quan điều tra VKSND tối cao yêu cầu phục vụ trong vụ án khác. Vì vậy, không thể cung cấp vào hồ sơ vụ án”. Việc trả lời này của VKSND thành phố Đà Nẵng là không đúng với tinh thần nội dung Văn bản 3096/VKSTC-C1 (P4) ngày 23/10/2024 do Cơ quan điều tra VKSND tối cao gửi. Bởi trong văn bản này, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã nêu rõ: “Cơ quan điều tra VKSND tối cao đang điều tra vụ án hình sự … xảy ra tại Phòng cảnh sát hình sự PC02, Công an thành phố Đà Nẵng liên quan đến quá trình điều tra vụ án hình sự “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Giữ người trái pháp luật” do Trần Đình Quân và đồng bọn thực hiện”. Hơn thế nữa, Văn bản số 837/VKSTC-C1(P4) ngày 20/3/2025 cũng một lần nữa thể hiện sự liên quan của các tài liệu do cơ quan này gửi đến VKSND thành phố Đà Nẵng; đồng thời đề nghị VKSND thành phố Đà Nẵng kiểm sát, giải quyết, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, đề nghị thu thập tài liệu, báo cáo Cơ quan điều tra VKSND tối cao để xử lý theo quy định pháp luật.

Như vậy, việc Cơ quan điều tra VKSND tối cao gửi các tài liệu có liên quan đến VKSND thành phố Đà Nẵng là để phối hợp làm rõ những dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án Trần Đình Quân và đồng bọn, chứ không phải là “để phục vụ trong một vụ án khác” hay là “để báo cáo” như trả lời của VKSND thành phố Đà Nẵng. Vậy tại sao VKSND thành phố Đà Nẵng lại không đưa những tài liệu này vào vụ án và thực hiện chức năng kiểm sát của mình; đồng thời có câu trả lời thỏa đáng cho các luật sư bào chữa của bị cáo?

Luật sư Lê Ngọc Luân – Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng trao đổi với phóng viên báo: “Văn bản 3096/VKSTC-C1 của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thể hiện là có sự việc Nguyễn Như Quân và Hồ Ái Phượng gửi đơn trình báo về việc những người này bị ép cung, bị bắt viết đơn tố cáo Trần Đình Quân và từ đó cơ quan này đã tiến hành xác minh sơ bộ sự việc. Kết quả xác minh đã được gửi đến VKSND thành phố Đà Nẵng. Như vậy, có thể hiểu đây là một trong những chứng cứ mà cơ quan nắm quyền công tố phải tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá nhằm xác định sự thật, đảm bảo tính khách quan, toàn diện của vụ án. Tuy nhiên cho đến hiện tại, các tài liệu này vẫn không được VKSND thành phố Đà Nẵng nhập vào hồ sơ vụ án là thể hiện sự không khách quan và không công bằng trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ và toàn diện vụ án. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại các tài liệu này vẫn không được nhập vào hồ sơ vụ án (?). Mà trong vụ án, hồ sơ không đầy đủ, các chứng cứ hay các mốc về thời gian xảy ra vụ việc; tiếp nhận, xử lý nguồn tin tố giác tội phạm; bắt giam; khởi tố v.v còn có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ và còn có dấu hiệu hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của các cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra thì bản chất vụ án rất có thể sẽ hoàn toàn khác với những cáo buộc tội danh cho các đương sự như trong Kết luận điều tra, Cáo trạng của vụ án”.

Luật sư Luân cũng cho biết: Đây là vụ án mà chúng tôi và thân chủ của mình liên tục gửi đơn khiếu nại đến các lãnh đạo cao nhất của VKSND tối cao, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Thủ trưởng CQĐT, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, Viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng, Chánh án TAND TP. Đà Nẵng vì hồ sơ có nhiều dấu hiệu rõ ràng bị làm sai lệch, có dấu hiệu khởi tố, bắt giam trái pháp luật; còn mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án thì rất nhiều, không thể kể hết. Chúng tôi chỉ mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng, những người “cầm cân nảy mực” sẽ xem xét đến những kiến nghị của chúng tôi để đảm bảo công lý được thực thi, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Điều 367 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về “Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp” như sau: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án.

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định từ Điều 367 đến 391 Bộ luật hình sự 2015, trong đó có các tội “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật – Điều 377” và “Tội mua chuộc, cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu – Điều 384”.

Quế An