Các Hội, Hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức quản lý ngành chăn nuôi thú y

(PLM) - Để bộ máy tổ chức quản lý ngành chăn nuôi phát huy được tối đa hiệu quả, để đưa ngành chăn nuôi phát triển hơn nữa, các Hội, Hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức quản lý ngành chăn nuôi thú y.

Hiện nay, chi phí thú y trong chăn nuôi tại Việt Nam luôn chiếm trên 10% giá thành sản phẩm chăn nuôi, trong khi các nước trên thế giới chỉ chiếm khoảng 3-5%; giết mổ thủ công chiếm đến 80%; có trên 24 nước có đủ điều kiện xuất khẩu thịt các loại vào Việt Nam, trong khi nước ta chỉ được 4 nước, vùng lãnh thổ cấp đủ điều kiện nhập khẩu gà đã qua xử lý nhiệt và HongKong với sản phẩm thịt lợn con cai sữa,…Trên đây là những con số biết nói thể hiện một phần rất rõ về những khó khăn, bất cập mà ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung đang gặp phải.

Hơn thế nữa, những khó khăn này đặc biệt sẽ trầm trọng hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng cao và xuất hiện ngày càng nhiều các loại dịch bệnh nguy hiểm mới cũng như sự gia tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phát huy hiệu lực, khi đó các dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ chuyển dần về mức 0%.

Tạo điều kiện cho người chăn nuôi, doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh thuận lợi nhất

Thực tiễn hiện nay cho thấy, hầu hết các hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều không có lời, đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, thời gian tới những khó khăn đối với người chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi sẽ ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn.

Nhận thức rõ thực tế này, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng của những khó khăn nêu trên có phần tác động không nhỏ từ hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi, thú y của nước ta. Vấn đề tổ chức ngành chăn nuôi, thú y trên Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thật sự không còn phù hợp với thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế.

Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam mới đây đã gửi hàng loạt văn bản kiến nghị sắp xếp lại tổ chức ngành chăn nuôi thú y tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng các Bộ liên quan như Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; một số Đoàn đại biểu Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Các Hội, Hiệp hội chăn nuôi phân tích rõ, khác với hoạt động kiểm lâm và kiểm ngư, thú y và bảo vệ thực vật là những biện pháp kỹ thuật không thể tách rời quy trình chăm sóc vật nuôi và canh tác cây trồng; không thể xem thú y và bảo vệ thực vật như một ngành độc lập với chăn nuôi, trồng trọt như hiện nay.

Điều đáng nói, trong khi tất cả các nước trên thế giới và 63 tỉnh thành phố thuộc Trung ương đều chỉ có một cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thú y và trồng trọt, bảo vệ thực vật nhưng ở trên Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn tồn tại 4 đơn vị độc lập nhau là Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật.

Hoạt động của Cục Chăn nuôi và Cục Thú y rất chồng chéo; có việc thì cả hai Cục cùng làm; có việc thì bỏ ngỏ không Cục nào chịu trách nhiệm. Các Cục trên quản lý độc lập nhau gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với các địa phương.

Hơn nữa, trước yêu cầu tinh giảm đầu mối và biên chế hành chính, hiện nay hầu hết các phòng chức năng của các Cục này đều không đáp ứng được yêu cầu về số lượng cán bộ công chức tối thiểu là 7 người/phòng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP (ví dụ như phòng Thanh tra Pháp chế của Cục Chăn nuôi chỉ có 3 người, của Cục Thú y cũng chỉ có 4 người…). Cơ cấu này không những không phù hợp với Nghị định mà còn không thể đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý.

Do đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam và các hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi mong muốn Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan sớm có phương án triển khai sắp xếp lại hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể là sáp nhập Cục Chăn nuôi với Cục thú y (tương tự là Cục Trồng trọt với Cục Bảo vệ thực vật). Điều này giúp ngành chăn nuôi, thú y sớm có được tổ chức bộ máy quản lý nhất thể hóa từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với khoa học quản lý, yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

PV