Cả năm "vật vờ" chờ Tết đếm tiền mỏi tay
(PLO) - Có những nghề quanh năm chỉ thu lặt vặt qua ngày nhưng đến những ngày cận Tết đột nhiên hút khách, đếm tiền mỏi tay...
Khắp chợ hoa cây cảnh trên đường Bưởi, không ai không biết đến câu chuyện anh Trần Văn Thanh (quê Nam Định) hành nghề xe ôm, nuôi sống cả gia đình, cho con đi xuất khẩu lao động… Thậm chí, những ngày giáp Tết, người vợ lam lũ ở quê còn lên tận Hà Nội chỉ để nấu cơm cho chồng ăn, đủ sức khỏe để… kéo cày mấy ngày cận Tết.
Chị Hiền, bán trà đá gần Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám thán phục: “Không ai giỏi như ông ấy đâu. Một mình lăn lộn xe ôm 30 năm trời, nuôi cả gia đình, đưa con cái đi Nga làm ăn. Nhưng khi chúng nó làm ăn không được, trở về, vốn bố đổ ra đi tong hết, ông ấy vẫn không than vãn một tiếng. Lại bảo các con lên làm xe ôm cùng bố cho qua những đợt khó khăn, khi nào kiếm được nghề nghiệp thì dừng cũng không muộn”.
Chị Hiền lại tấm tắc khen ngợi: “Con gái ông ấy cũng nhờ thu nhập từ nghề xe ôm của bố đã được học hành đầy đủ, hiện trở thành giáo viên tiểu học ở huyện, còn 2 người con trai theo bố lên làm xe ôm. Một người con trai khác cũng làm công nhân nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, ông ấy lại huy động cả con lên Hà Nội chở cây cảnh kiếm thêm. Dù chỉ làm 10 ngày dịp Tết nhưng số tiền kiếm được cũng bằng cả tháng nai lưng làm ở huyện”.
Chị chợt nhỏ giọng thì thầm: “Mỗi đợt Tết thế này, thu nhập của mấy bố con ông ấy cũng mua được cả cây vàng đấy, sau khi đã trừ đi tiền ăn uống, sắm Tết. Thế nên vợ ông ấy chăm sóc ông ấy ghê lắm”.
Chợ cây cảnh dịp Tết có thể thu bộn tiền. |
Một làng nghề khác cũng nhờ những ngày Tết mà có tiền sắm sang, trang hoàng nhà cửa. Đó là làng trồng lá dong Tuấn Dị, ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Ông Khương Văn Khoái - Trưởng thôn Tuấn Dị cho biết: “Ở làng này nhà ai cũng trồng lá rong, ít nhất cũng có vài sào. Chính vì vậy vào dịp Tết, nhà nhà đều có vài chục triệu ăn Tết và gửi tiết kiệm. Nhà cửa cao tầng mọc lên. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ và rộng rãi hơn. Chính vì vậy mà người dân chúng tôi không phải lo bán thóc để sắm Tết. Tất cả đều từ lá dong mà nên. Nhờ có lá dong, năm nào dân Tuấn Dị cũng có Tết tươm tất”.
Điển hình nhất của làng nghề này là bà Trương Thị Bắc, một hộ được coi là “đại gia lá dong quê”. Năm nào cũng vậy, ngôi nhà của bà như biến thành một cái chợ thu nhỏ. Người ra người vào khuân vác lá, toàn bộ khu vực sân lá được bày la liệt để qua khâu phân loại và tuyển chọn.
Ông Khương Văn Vinh, chồng bà Bắc cho biết: “Nhà tôi có đến hơn 2 mẫu trồng dong, còn phải đi thuê thêm đất để trồng nữa”. Nhà bà Bắc bán lá dong quanh năm, tuy nhiên trong vòng 10 ngày bán lá Tết thu hoạch được gấp nhiều lần so với ngày thường. Thời điểm gần Tết, tại các nhà vườn, giá lá dong khoảng 150.000 - 200.000đồng/100 lá, tùy thuộc vào từng loại lá to hay nhỏ. Với mức giá đó nhiều người còn phải tranh nhau mua. Có những năm đến 27-28 Tết, nhà bà Bắc phải đi mót khắp các vườn nhà mình để bán. Không ngần ngại, ông Vinh cho biết thêm: “Bán lá dong dịp Tết có thể lãi gấp 10 lần so với cấy 10 mẫu lúa đấy”.
Bà Trương Thị Bắc bên vườn lá dong |